DN cần làm gì để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu?

17:03' - 15/11/2016
BNEWS Doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nỗ lực đáp ứng các quy định pháp luật mà còn phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn của từng thị trường xuất khẩu.
May áo quần xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt-TTXVN

Đây là chia sẻ của ông Frank Juettner, Tổng giám đốc Công ty TUV Rheinland Việt Nam tại Hội thảo quốc tế về an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ, do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), chi hội Tp. Hồ Chí Minh kết hợp cùng Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA) tổ chức, ngày 15/11 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Cũng theo ông Frank Juettner, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, dán nhãn đảm bảo an toàn sử dụng cho sản phẩm.

Các Bộ, ngành cũng như doanh nghiệp cần sớm thúc đẩy hình thành hệ thống quản lý chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đến thành phẩm cho ngành nói chung và cho doanh nghiệp dệt may, giày dép nói chung.

Để chuẩn bị cho việc đáp ứng yêu cầu của các rào cản thương mại ngày càng cao ở các thị trường xuất khẩu, ông Nate Herman, Phó Chủ tịch cao cấp, Chuỗi cung ứng AAFA cho rằng, các nhà sản xuất cần làm việc chặt chẽ với những nhà xuất nhập khẩu, đối tác và bạn hàng trong thực thi quy định pháp lý.

Trong đó, các bên tham gia chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu cho đến khâu phân phối, tăng cường cung cấp thông tin lẫn nhau, nhằm đảm bảo đưa sản phẩm ra thị trường thành công.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thúc đẩy công tác hội nhập quốc tế như: Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.

Theo đó, Việt Nam sẽ hưởng lợi trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và cải cách thủ tục hải quan để đáp ứng các cam kết trong các FTA.

Điều này cho phép các công ty giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, tiếp cận các thị trường mới; đồng thời những cam kết bổ sung sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu tuân thủ trong ngành mang tính xã hội và yêu cầu từ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, những tiêu chuẩn quốc tế về tuân thủ an toàn sản phẩm cũng như cam kết của các FTA cũng chứa đựng rất nhiều các vấn đề chuyên môn đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc và thực hiện kịp thời để đạt được những lợi ích đầy đủ.

Một số doanh nghiệp cho biết, bên cạnh những quy định mới, có nhiều quy định đã ban hành từ lâu nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn và chưa đáp ứng được khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Đơn cử, đối với vấn đề an toàn sản phẩm tại Mỹ, các loại hóa chất hạn chế sử dụng được quy định trong nhiều đạo luật như: Đạo luật kiểm soát các chất độc hại; Đạo luật cải thiện an toàn sản phẩm tiêu dùng...

Đặc biệt, ngoài các quy định chung trong luật pháp liên bang, thì mỗi tiểu bang tại Mỹ có những quy định riêng.

Trước tình hình đó, doanh nghiệp bị lúng túng khi thực hiện các quy định cũng như cập nhật thông tin, nắm bắt rõ các tiêu chuẩn đối với ngành hàng, sản phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục