Doanh nghiệp dệt may có đủ đơn hàng hết quý I/2017

21:33' - 09/01/2017
BNEWS Năm 2017 Tập đoàn Dệt may Việt Nam phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng 11%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14% và doanh thu hợp cộng toàn tập đoàn tăng 12% so với năm 2016.
Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam phát biểu tại họp báo. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Doanh nghiệp dệt may có đủ đơn hàng đến hết quý I/2017 là thông tin này được ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết tại buổi họp báo chiều 9/1 về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 và mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2017 của Tập đoàn.

Theo ông Lê Tiến Trường, năm 2017 Tập đoàn Dệt may Việt Nam phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng 11%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14% và doanh thu hợp cộng toàn tập đoàn tăng 12% so với năm 2016.

Dự báo về thị trường năm 2017, ông Lê Tiến Trường cho biết, năm nay ngành dệt may Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của các thách thức hiện tại như: ngành dệt may chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ các chính sách thuế do các Hiệp định EVFTA, TPP đều chưa có hiệu lực trong năm 2017. Tình hình cạnh tranh xuất khẩu ngày càng gay gắt: các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu sẽ tiếp tục thu hút các đơn hàng nhờ các chính sách hỗ trợ về thuế, tỷ giá.

Sự bất ổn của nền kinh tế EU với việc Thủ tướng Ý từ chức; cuối quý I/2107 sẽ chính thức thực hiện Brexit cũng sẽ ảnh hưởng đến cầu dệt may của thị trường EU trong năm 2017. Kinh tế Việt Nam 2017 kỳ vọng có nhiều khởi sắc khi các điều kiện cho tăng trưởng kinh tế về cơ bản vẫn thuận lợi, nhưng Chính phủ chưa có chính sách cụ thể hỗ chợ ngành dệt may.

Theo đánh giá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, năm 2016 tình hình dệt may thế giới không khả quan. Các quốc gia nhập khẩu dệt may chính là Mỹ, EU, Nhật Bản đều có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu dệt may thấp, hoặc suy giảm. Cụ thể, nhập khẩu dệt may của thị trường Mỹ giảm 4,84% so với năm 2015, tương tự Nhật Bản giảm 1,7%...

Với ngành dệt may Việt Nam năm 2016, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 28,3 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2015, thấp hơn dự kiến đầu năm. Riêng đối với Tập đoàn dệt may Việt Nam kim ngạch đạt trên 2.500 triệu USD, tăng 5% so với năm 2015, lợi nhuận trước thuế hợp cộng toàn Tập đoàn đạt trên 41.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 215. Thu nhập bình quân đầu đạt 6,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 8% so với năm 2015.

Theo ông Lê TiếnTrường, nhìn vào tổng thể kinh tế toàn cầu cũng như biến động kinh tế tại các thị trường, đây là nỗ lực đáng nghi nhận của ngành dệt may. Bởi nếu so sánh với các đối thủ cạnh tranh của dệt may Việt Nam như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam là với mức tăng trưởng 5,7% là cao nhất trong nhóm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục