ILO: Lao động ngành dệt may, da giày trước nguy cơ mất việc do tự động hóa

15:59' - 14/12/2016
BNEWS Có đến 86% lao động Việt Nam trong ngành dệt may – da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao do tự động hóa.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty TNHH Minh Trí Thái Bình, tại Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh(Thái Bình). Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nghiên cứu mới đây của ILO “ASEAN trong giai đoạn chuyển đổi – Công nghệ đang thay đổi việc làm và doanh nghiệp như thế nào” cho thấy, có đến 86% lao động Việt Nam trong ngành dệt may – da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao do tự động hóa.

Trong khi đó, 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện – điện tử có thể sẽ bị thay thế bởi robot.

Đây là những ngành xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm gần 40% tổng số việc làm trong lĩnh vực sản xuất.

Tuy nhiên, ngành dệt may – da giày có đặc điểm chủ yếu là thâm dụng lao động và kỹ năng tay nghề thấp.

Năng suất lao động trong ngành này thấp một cách báo động – chỉ ở mức 20% của Thái Lan và gần tương đương với Campuchia.

Tuy nhiên, nghiên cứu của ILO cho thấy Việt Nam vẫn chưa chứng kiến tác động của công nghệ tại nơi làm việc ở mức độ giống như ở một số nước phát triển hơn trong khu vực ASEAN, bởi giá lao động vẫn còn cạnh tranh và chi phí đầu tư công nghệ tương đối đắt đỏ.

Do đó, ILO cho rằng, ưu tiên cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động là một nhiệm vụ quan trọng khi Việt Nam đối mặt với những thay đổi về bản chất công việc trong thời đại công nghệ – thời điểm những lao động tay nghề thấp có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa.

Bên cạnh đó, khuyến khích thế hệ trẻ đam mê theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học là việc quan trọng, bởi người lao động theo học các ngành khoa học này thường được người sử dụng lao động trong lĩnh vực sản xuất tìm kiếm.

Ông David Lamotte, Phó Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhận định: “Chắc chắn trong những năm tới sẽ có sự chuyển dịch vì chi phí công nghệ sẽ giảm trong khi chi phí lao động tăng lên.”

Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong những năm tới (2017- 2025) lực lượng lao động Việt Nam tăng bình quân hàng năm 1 ,28%, tương ứng 723.000 người/năm.

Quy mô lực lượng lao động tăng từ 55,54 triệu người năm 2016 lên 62 triệu người năm 2025.

Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.000 chỗ làm việc và chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn là một hướng để tăng năng suất lao động.

Thực tế, đến năm 2016, trong tổng số 54,36 triệu lao động cả nước, chỉ có hơn 11,21 triệu qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ, chiếm 20,6%.

Như vậy, cả nước vẫn còn trên 43,15 triệu người chưa qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ (chiếm 79,4% tổng số lao động) và chất lượng lao động có sự chênh lệch rõ rệt giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Cơ cấu lao động qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo.

Đáng lưu ý là lao động được đào tạo trong các ngành kỹ thuật - công nghệ còn chiếm tỷ trọng thấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục