Doanh nghiệp tăng cường kết nối cung-cầu

17:11' - 30/09/2015
BNEWS Để kết nối cung cầu, các doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, hình thành chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm.

Tại Hội nghị kết nối cung cầu Khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2015 do Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức, các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng để hoạt động kết nối cung - cầu đi vào chiều sâu, thời gian tới, các tỉnh, thành phố trong khu vực tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, trọng tâm là tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng năm để tạo sức lan tỏa.

Các doanh nghiệp cần tăng cường kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Ảnh: Quế Anh/TTXVN

Từ đó, các doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên và doanh nghiệp tỉnh, thành gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, hình thành chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ chuyên ngành triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Các địa phương thường xuyên khảo sát tình hình sản xuất, tiêu thụ, nhu cầu mua bán của các doanh nghiệp; tận dụng đầu mối là hiệp, hội doanh để tiếp cận, khảo sát, nắm bắt thông tin, nhu cầu của doanh nghiệp kịp thời.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp uy tín của các địa phương mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất, phát triển mạng lưới phân phối...

Các tỉnh hỗ trợ việc kết nối các ngân hàng với doanh nghiệp các tỉnh, thành; đặc biệt triển khai kết nối ba bên Ngân hàng- Doanh nghiệp sản xuất- Chuỗi cung ứng (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi trồng...) tại các địa phương. Từ đó, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh trong đầu tư, phát triển sản xuất, đáp ứng tốt yêu cầu của nhà phân phối và thị trường.

Đại diện Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, thông qua hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản, đặc sản từng địa phương, các sản phẩm của làng nghề, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nhỏ có điều kiện tiếp cận đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại.

Từ đó, giúp doanh nghiệp giải quyết đầu ra, tạo cơ sở vững chắc phát triển sản xuất, mở rộng thị phần. Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đề xuất căn cứ điều kiện, thế mạnh của từng địa phương, các tỉnh, thành chủ động tiếp cận, rà soát doanh nghiệp, đơn vị sản xuất có tiềm năng để nghiên cứu chính sách hỗ trợ đầu tư nâng chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Sở Công Thương các tỉnh, thành rà soát, xác định nhóm, lượng hàng cần bình ổn tại thị trường địa phương; cân đối khả năng tự cung ứng, đề xuất nhu cầu hỗ trợ từ Tp. Hồ Chí Minh để phối hợp tổ chức, cung ứng cho thị trường.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng có ý kiến, Sở Công Thương các địa phương tăng cường phối hợp, thực hiện có hiệu quả nội dung chương trình liên kết vùng. Công tác tổ chức kênh tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm cần hỗ trợ các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn trong việc giới thiệu nhà cung cấp hàng hóa với số lượng lớn.

Đẩy mạnh phối hợp giữa sở, ngành của địa phương về thông tin, định hướng cung cầu; hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn đã được chứng nhận như ISO, VietGAP....

Việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm... để cung cấp tới đơn vị phân phối, người tiêu dùng cũng được chú trọng. Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố của vùng và cả nước cần thúc đẩy công tác liên kết công thương gắn với các quy hoạch ngành, qua đó giúp thành phần kinh tế phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, thành viên Ban tổ chức cho biết, sản xuất công nghiệp các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên 9 tháng năm 2015 vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định.

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) toàn vùng đạt 279.647 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014. Một số tỉnh, thành phố có chỉ số công nghiệp tăng khá là Quảng Nam tăng 32,78%, Đà Nẵng tăng 12,93%.

Văn Sơn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục