Điều chỉnh phụ tải, doanh nghiệp giảm tiêu thụ điện

15:06' - 26/04/2024
BNEWS Khi doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện sẽ giảm chi phí dùng điện do giảm nhu cầu dùng điện vào giờ cao điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí tiền điện.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện thương phẩm 3 tháng đầu năm đạt 62,52 tỷ kWh, tăng 13,85% so với cùng kỳ năm 2023. Trong bối cảnh này, dự kiến việc vận hành hệ thống điện sẽ có nhiều khó khăn trong các tháng cao điểm nắng nóng (5, 6, 7).

Một trong những giải pháp để giảm tiêu thụ điện vào giờ cao điểm đang được ngành điện áp dụng mùa nắng nóng là điều chỉnh phụ tải điện (DR). Đây là chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng giảm nhu cầu dùng điện vào lúc cao điểm, dịch chuyển sang giờ thấp điểm, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống và giảm tình trạng lưới điện bị quá tải.

 

Một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (điều chỉnh giờ sản xuất) đã giảm được 25-30% công suất tiêu thụ điện, tiết kiệm được gần 15% tiền điện. 

Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh, đây là giải pháp nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo việc cung ứng điện ổn định và hạn chế các sự cố trên hệ thống điện. Với chương trình này, khách hàng được hưởng các ưu đãi như nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đưa vào danh sách khách hàng ưu tiên cấp điện, rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện, hỗ trợ tối đa các yêu cầu phát sinh trong quá trình dùng điện, tư vấn miễn phí về dùng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả…

"Khi doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện sẽ giảm chi phí dùng điện do giảm nhu cầu dùng điện vào giờ cao điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí tiền điện, giảm giá thành sản xuất sản phẩm và dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh", ông Kiên nói.

Theo thống kê sơ bộ của ngành điện, một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện đã tiết giảm được 25 - 30% tổng công suất tiêu thụ điện, từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện.

Cũng theo thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), nhờ thực hiện điều chỉnh phụ tải, sản lượng điện tiết kiệm năm 2023 của toàn EVNNPC đạt hơn 1.822 triệu kWh, đạt 2,18% so với điện thương phẩm. Toàn tổng công ty đã ký biên bản thỏa thuận DR với 3.906 khách hàng, đạt tỷ lệ 97,82%.

Đặc biệt, trong cao điểm mùa nắng nóng tháng 5, tháng 6, đã có 19.113 lượt khách hàng tham gia DR, với tổng công suất tiết giảm được 6.254 MW, tổng sản lượng tiết giảm 49.689 MWh. Trong đó phải kể đến các khách hàng lớn đã tham gia DR rất tích cực như: Thép Hòa Phát (Hưng Yên), Công ty Nhựa Tiền Phong (Hải Phòng), Thép Sengli (Thái Bình), Xi măng Long Sơn (Thanh Hóa), Công ty Xi măng Thành Thắng (Hà Nam)…

Cũng trong năm 2023, toàn miền Bắc có 1.878 khách hàng ký biên bản đồng ý dịch chuyển giờ sản suất tiết giảm công suất khi hệ thống khó khăn về nguồn với tổng công suất 1.020 MW. Qua đó, EVNNPC đã tri ân 5.130 khách hàng tích cực tham gia DR, dịch chuyển giờ sản xuất.

Ông Phan Tuấn Anh, Giám đốc Nhà máy luyện cán thép Hòa Phát (Hưng Yên) cho hay: "Nhằm hưởng ứng chương trình DR do ngành điện phát động, trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023 chúng tôi đã phối hợp với Công ty Điện lực Hưng Yên thực hiện các sự kiện DR có kế hoạch với mức tiết giảm công suất là 25 MW, đặc biệt trong năm 2023 đã thực hiện sa thải vận tải trong những thời điểm cao điểm mùa Hè khi lưới điện thiếu nguồn và công suất tiết giảm là 63 MW".

Còn theo ông Trần Nhật Ninh, Phó tổng giám đốc kỹ thuật Công ty CP nhựa Thiếu niên Tiền Phong: Trong quá trình sản xuất, hàng tháng sản lượng điện tiêu thụ thông thường của công ty từ 3,6 - 4 triệu kWh, để thực hiện DR chúng tôi đã tăng cường sản xuất vào các giờ không phải là giờ cao điểm, qua đó vừa hỗ trợ cho ngành điện, đồng thời tiết giảm được tiền điện cho công ty...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục