Doanh nghiệp vận tải Việt Nam cần nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ

20:12' - 07/05/2018
BNEWS Ông Leandro Harari, Chủ tịch WFO cho biết, Việt Nam là nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng khá cao, nhu cầu xuất – nhập khẩu không ngừng gia tăng trong những năm gần đây.
Các xe vận tải xuất nhập khẩu hàng hóa lưu thông trên tuyến đường mới tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: Thái Thuần-TTXVN
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành vận tải, tuy nhiên các doanh nghiệp vận tải Việt Nam cần nâng cao tính chuyên nghiệp và uy tín để cạnh tranh với các doanh nghiệp vận tải quốc tế. Đây là nhận định của các doanh nghiệp tại chương trình Giao thương với Hiệp hội các nhà vận tải thế giới do Hiệp hội các nhà vận tải thế giới (WFO) phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 7/5. 

Ông Leandro Harari, Chủ tịch WFO cho biết, Việt Nam là nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng khá cao, nhu cầu xuất – nhập khẩu không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Chính vì vậy, tiềm năng phát triển ngành vận tải Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, chi phí vận tải của Việt Nam hiện vẫn còn khá cao so với các quốc gia khác. 

Theo ông Leandro Harari, chi phí vận tải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chi phí vận tải Việt Nam cao một phần do môi trường kinh doanh chưa thật sự thuận lợi, chi phí về thuế xuất – nhập khẩu, các chi phí liên quan đến thông quan hàng hóa khá cao. 

Các doanh nghiệp vận tải quốc tế cũng nhận định, nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải của Việt Nam là rất lớn, vì vậy đây là lĩnh vực có nhiều dư địa phát triển cho cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Khó khăn lớn của các doanh nghiệp vận tải quốc tế khi tìm kiếm đối tác tại Việt Nam chính là vấn đề cấp visa còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng phục vụ ngành vận tải Việt Nam còn rất kém, chưa theo kịp nhu cầu phát triển của ngành và các yêu cầu của khách hàng. 

Nhận định về năng lực của các doanh nghiệp vận tải Việt Nam, bà Lê Lan Anh, Giám đốc Công ty Le Anh Transport (1 trong 3 doanh nghiệp Việt Nam là thành viên của WFO) cho rằng, Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực vận tải. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ, chưa thể hiện được sự chuyên nghiệp và uy tín đối với đối tác nên khó cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế. 

Theo bà Lê Lan Anh, một hạn chế khác của doanh nghiệp vận tải Việt Nam là thiếu sự liên kết, ít có khả năng cung ứng dịch vụ trọn gói. Cụ thể, các công ty vận tải Việt Nam thường chỉ cung cấp một trong số các dịch vụ vận chuyển, kho bãi, thủ tục hải quan, trong khi đó các công ty vận tải quốc tế thường cung cấp trọn gói, doanh nghiệp chỉ nhận hàng và thanh toán một lần. 

Với vai trò là doanh nghiệp kết nối các nhà vận tải với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bà Phan Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty Thiên Minh chia sẻ, mặc dù bà luôn ưu tiên giới thiệu, kết nối các nhà vận tải Việt Nam với đối tác nước ngoài, nhưng trên thực tế tỷ lệ khách hàng nước ngoài lựa chọn nhà vận tải quốc tế vẫn cao hơn. Nguyên nhân là do doanh nghiệp vận tải Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu và uy tín với các đối tác nước ngoài. Thêm vào đó, hạn chế về mặt ngôn ngữ, phong cách làm việc của đội ngũ nhân lực cũng khiến các doanh nghiệp vận tải Việt Nam khó nắm bắt cơ hội phát triển ra thị trường quốc tế. 

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, nhà nước cần có giải pháp cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh ngành vận tải, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và cắt giảm chi phí thông qua chính sách thuế, phí và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Về phía các doanh nghiệp vận tải Việt Nam, cần nâng cao tính chuyên nghiệp, khẳng định uy tín với các đối tác. Mặt khác, phải thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từng bước xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ trọn gói mới có thể tận dụng tốt các cơ hội hợp tác, phát triển thị trường khu vực và quốc tế./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục