Đối thoại chính sách với doanh nghiệp EU tại Việt Nam

19:19' - 22/01/2018
BNEWS Các bộ, ngành, địa phương đã cắt giảm hơn 5.000 thủ tục hành chính... tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong gia nhập thị trường.
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Chiều 22/1, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (ACAPR) phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức Hội nghị đối thoại "Về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam".

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho rằng, Hội nghị nằm trong nội dung triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cải cách các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản, khó khăn vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cắt giảm chi phí, gia tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã cắt giảm hơn 5.000 thủ tục hành chính, nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong gia nhập thị trường, triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2018, Chính phủ Việt Nam lấy chủ đề của năm là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả" và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh trong từng ngành, lĩnh vực, từng địa bàn thuộc phạm vi quản lý, quyết tâm phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh; bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp của EU đã nêu lên những vướng, khó khăn và kiến nghị tập trung vào các lĩnh vực thuế, quyền sở hữu trí tuệ, chăm sóc sức khỏe... và những vấn đề pháp lý khác ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư nước ngoài.

Ông Nicolas Audiear, Đồng Chủ tịch EuroCham cho hay, EuroCham rất vui mừng khi đại diện các cơ quan ban ngành của Chính phủ Việt Nam đã lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp và đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Ông Nicolas Audiear cũng mong muốn, sau buổi đối thoại này, phần lớn các kiến nghị sẽ được Chính phủ Việt Nam hỗ trợ tháo gỡ trước mắt hoặc muộn nhất vào cuối năm nay khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU được thực hiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục