Cơ quan Hải quan đối thoại với doanh nghiệp châu Âu

15:28' - 30/08/2017
BNEWS Trong năm 2017, 100% dịch vụ công ngành hải quan được thực hiện cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3; dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến cấp độ 4 là 70%.

Đồng thời, ngành hải quan tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, từng bước hoàn thiện thể chế để thực hiện cơ chế 1 cửa ASEAN.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Đối thoại "Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Cơ quan Hải quan là đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển", do Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30/8.

Ông Jens Ruebbert, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho rằng, hội nghị là cơ hội để doanh nghiệp EU có thể đưa ra sáng kiến để giải quyết tồn tại bất cập và có thể đóng góp nhiều hơn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng.

Cụ thể, mục tiêu hướng đến là trao đổi về vấn đề xác định giá trị trao đổi với ngành hải quan để hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hội nhập thương mại hiệu quả hơn thông qua việc nâng tính minh bạch, cắt giảm thủ tục hành chính và áp dụng thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước.

EU là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam. Đặc biệt, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đã tăng gần 11 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên hơn 45 tỷ USD năm 2016, dự kiến năm 2017 đạt 50 tỷ USD.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát về giá trị hải quan của EuroCham cho thấy, các doanh nghiệp hiểu biết hạn chế những quy định về xác định lại trị giá hải quan và cần tạo cơ hội trao đổi và đào tạo nhiều hơn.

Các quy tắc và quy định không rõ ràng là mối quan tâm chính của các doanh nghiệp; vấn đề không có khả năng thông quan khi xảy ra tranh chấp. Việc nộp một khoản tiền đảm bảo sẽ giúp giải quyết vấn đề này khi nhập khẩu.

Bà Almut Roessner, Giám đốc điều hành EuroCham, cho hay, hầu hết các quyết định định giá tại Việt Nam được thực hiện trên cơ sở dữ liệu hải quan hoặc giá tham khảo trên internet, nên chưa khách quan và không phù hợp với quy định.

Do đó, việc cung cấp văn bản nêu rõ lý do và phương pháp định giá lại sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định cũng như có một quy trình kháng cáo thành công hơn sau khi thông quan.

Theo số liệu của Hải quan Tp. Hồ Chí Minh, năm 2016 chỉ có 2% - 3% lô hàng phải xác định giá trị hải quan theo hàng hóa mậu dịch, còn con số 25% lô hàng được xác định lại giá trị hải quan của EuroCham là có thể bao gồm các hàng hoá phi mậu dịch, quà biếu.

Tính lũy kế đến tháng 8 năm 2017, nợ thuế doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh tăng lên 2.500 tỷ đồng; trong đó, hơn 56% là nợ không có khả năng thu hồi, chiếm gần 1.400 tỷ đồng, còn lại hơn 44% nợ quá hạn trên 90 ngày và nợ chưa tới hạn, nợ chậm nộp cần phải thu hồi.

Họ thường lập doanh nghiệp mới để nhập khẩu ồ ạt các lô hàng giá trị cao, khai báo giá trị thấp, khi bị cơ quan hải quan nghi ngờ ra quyết định kiểm tra sau thông quan, doanh nghiệp giải thể.

Mặt khác, trước phản hồi của các doanh nghiệp châu Âu, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh, khẳng định: Việc xác định trị giá hải quan luôn đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, minh bạch và cơ sở dữ liệu hải quan không được sử dụng làm nền tảng để điều chỉnh trị giá hải quan đối với hàng hoá của doanh nghiệp.

Đồng thời, trị giá hải quan đối với lô hàng của doanh nghiệp được xác định dựa trên sự tham khảo và tham vấn hàng hoá có giá trị tương đồng cũng như đảm bảo tính minh bạch, công khai.

Khi doanh nghiệp khai báo tờ khai hải quan mà có nghi vấn, doanh nghiệp mới phải chứng minh với cơ quan hải quan.

Trong đó, cơ quan hải quan xác định các nghi vấn dựa trên cơ sở giá khai báo của doanh nghiệp không thỏa mãn điều kiện trong quy định pháp luật.

Ngoài ra, một mặt hàng có nhiều mức giá khác nhau là không sai, cơ quan hải quan xác định trị giá hải quan đối với một mặt hàng nhiều giá khác nhau là bình thường, nếu đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.

Nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu, ngành hải quan tích cực phổ biến văn bản pháp luật, quy định mới để doanh nghiệp hiểu rõ và thực hiện đúng khi làm thủ tục hải quan.

Qua đó, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp và phối hợp tốt với cơ quan hải quan trong việc thực thi pháp luật, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tạo môi trường kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan, đánh giá cao nỗ lực, quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư EU đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam; trong đó, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - châu Âu trong tương lai gần sẽ minh chứng cho sự hợp tác có hiệu quả góp phần vào sự phát triển của các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Hoàng Việt Cường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng quyết định cho tăng trưởng bền vững và cạnh tranh hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh.

Đây là thông điệp đã được Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh và quyết tâm thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Để thực hiện các chủ trương này, ngành hải quan nói chung, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh nói riêng phấn đấu đạt được các mục tiêu tạo thuận lợi trong thương mại, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục thông quan hàng hoá từ 108 giờ xuống còn 70 giờ đối với hàng xuất khẩu và từ 138 giờ xuống còn 90 giờ đối với hàng nhập khẩu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục