Đối thoại trực tiếp về xả thải từ Cụm liên hợp Dệt – Nhuộm – May Hải Lăng

22:05' - 25/09/2017
BNEWS Đã diễn ra đối thoại trực tiếp để lắng nghe phản ánh của người dân về thực trạng xả thải từ nhà máy Dự án Cụm liên hợp Dệt – Nhuộm – May Hải Lăng, Công ty TNHH dệt may Vinatex quốc tế Toms.
Quảng Trị: Người dân lo lắng doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 25/9, đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành có liên quan và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã có buổi đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và phản ánh của người dân về thực trạng xả thải từ nhà máy Dự án Cụm liên hợp Dệt – Nhuộm – May Hải Lăng, Công ty TNHH dệt may Vinatex quốc tế Toms.

Tại buổi đối thoại, người dân đã đề xuất nhiều ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, trong đó nhiều ý kiến không đồng tình với việc nhà máy của Công ty TNHH dệt may Vinatex quốc tế Toms xả thải trên địa bàn vì sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân 5 xã trong huyện.

Người dân kiến nghị không cho xả thải về hồ Khe Chè do cá nuôi ở tầng đáy bị bệnh ghẻ...; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu Nhà máy đổi mới công nghệ tái tạo sử dụng nước thải để tiếp tục sản xuất…

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã nói về hệ thống xử lý nước thải của nhà máy của Công ty TNHH dệt may Vinatex quốc tế Toms cũng như quy trình giám sát và kết quả kiểm tra quá trình xử lý nước thải của nhà máy.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đến nay Công ty này đã chỉnh sửa, hoàn thiện đề án theo ý kiến của hội đồng thẩm định nguồn tiếp nhận nước thải là hồ Khe Chè (thị trấn Hải Lăng) và kênh tiêu nội đồng xã Hải Thọ; đồng thời kết luận, kết quả quan trắc chất lượng nước của hồ Khe Chè cho thấy các chỉ tiêu quan trắc đều nằm trong giới hạn A2 theo QCVN 08-MT:2015/TNMT; riêng chỉ tiêu tổng Fe tan vượt giới hạn A2 từ 1,3-2,35 lần; chỉ tiêu Amoni vượt 1,37 lần... Nguyên nhân Fe cao có thể là do nước ở khu vực này bị nhiễm phèn.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cũng đưa ra kết luận về quan trắc chất lượng nước tại kênh tiêu nội đồng Hải Thọ, cho thấy phần lớn các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn A2 theo QCVN 08-MT:2015/TNMT và diễn biến khá ổn định.

Riêng đối với chỉ tiêu tổng Fe tan vượt giới hạn từ 2,45-7,19 lần; chỉ tiêu Amoni các đợt quan trắc ngày 18/8/2017 vượt giới hạn A2 từ 4,4-5,87 lần... Nguyên nhân cao có thể do nước ở khu vực này bị nhiễm phèn vì vùng này là vùng trũng bị ảnh hưởng của hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Lắng nghe ý kiến của người dân, đại diện các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương đã giải đáp nhiều vấn đề có liên quan để người dân được rõ. Ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị khẳng định, nhà máy không gây ô nhiễm môi trường.

Đến thời điểm này, chất lượng nước thải của nhà máy vẫn đang được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ. Nếu chỉ số nước thải nào sau xử lý vượt quá hàm lượng cho phép, Sở sẽ thông báo và xử lý ngay.

Ngoài ra, khi Công ty được cấp phép xả thải, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ công bố quá trình giám sát qua internet để bà con giám sát... Tuy nhiên, nhiều người dân tỏ ra nghi ngại, không tin tưởng lời cam kết cũng như không đồng tình việc xả thải của nhà máy trên địa bàn huyện Hải Lăng.

Dự án Cụm liên hợp Dệt – Nhuộm – May Hải Lăng do Công ty TNHH MTV Vinatex quốc tế Toms làm chủ đầu tư, có công suất 10 triệu sản phẩm may dệt kim/năm. Lượng nước thải của dự án là 1.002,6 m3/ngày đêm.

Trước đó, Công ty này từng bị cơ quan chức năng phát hiện và lập biên bản về hành vi xả nước thải ra môi trường vào ngày 20 và 29/7, do chưa được cấp phép xả thải. Đến ngày 24/7, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra công văn nghiêm cấm Công ty dệt nhuộm xả nước thải ra môi trường khi chưa được kiểm tra, đánh giá của cơ quan chuyên môn và sự chấp thuận của UBND tỉnh.

Đầu tháng 8/2017, tỉnh Quảng Trị có văn bản cho phép Công ty Vinatex xả thải tạm thời nước thải sản xuất trong thời gian 20 ngày, lưu lượng thải 300m3/ngày đêm, nguồn tiếp nhận là hồ Khe Chè và kênh tiêu nội đồng xã Hải Thọ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục