Dự báo giá cà phê tuần từ 27/11 - 2/12

15:40' - 28/11/2017
BNEWS Mức giá cà phê hiện nay đang 37 triệu đồng mỗi tấn tại vùng nguyên liệu, lên được 38 triệu sẽ là một cố gắng nếu như có một đợt chỉnh tăng trên sàn kỳ hạn robusta trong tuần này.

Diễn biến thị trường cà phê từ 20/11 - 25/11: Giá robusta rớt đậm

Phải nói rằng tuần trước là thời gian khốn đốn cho sàn kỳ hạn robusta London. Trong giao dịch, giữa đỉnh và đáy trong vòng bảy ngày, chênh lệch nhau cả 100 USD/tấn (1838-1737 thiên về hướng giảm.

Tính trên giá đóng cửa, London mất 75 USD/tấn và cuối tuần chốt tại 1749 USD/tấn, là mức thấp nhất tính từ 16 tháng trở lại đây (xem hình 1).

Cấu trúc giá vắt trên sàn London, hay còn gọi là cấu trúc giá nghịch đảo do tháng giao hàng gần cao hơn tháng xa, đến đóng cửa ngày 24/11 co lại chỉ còn 28 USD giữa tháng 11/17 với 03/18, so với cuối tuần chấm dứt ngày 24/11 là 62 USD/tấn. Khi cách biệt giá các tháng này co lại, có nghĩa rằng áp lực giao hàng giảm (xem hình 1).

Trên sàn kỳ hạn arabica New York, kết quả đóng cửa tuần trước giá tăng rất nhẹ, chỉ +0.25 cts/lb hay chỉ vỏn vẹn gần 6 USD/tấn chốt ngày 24/11 tại 127.55 cts/lb.

Trong thời gian ấy, giá cà phê nội địa mất chừng 2 triệu đồng mỗi tấn. Thật vậy, đến ngày 26/11, giá cà phê nội địa nhiều nơi tại Tây nguyên, vùng sản xuất cà phê trọng điểm của cả nước chỉ còn 37 triệu đồng mỗi tấn do giá kỳ hạn mất quá đậm.

Dự báo giá cà phê tuần từ 27/11 - 2/12: Thế của thị trường vẫn rất yếu

Tính từ ngày 17/11 đến 24/11 sàn robusta London có 6 ngày mở cửa thì tất cả các phiên giao dịch đều có kết quả giá đóng cửa âm.

Thật vậy, từ đáy nằm dưới mức 1.400 USD/tấn đầu năm 2016, sàn này đã tạo từng đợt sóng tăng liên tục cho đến đỉnh gần 2150 USD/tấn vào đầu tháng 08/17 (xem hình 2 với những đường kẽ chéo màu xanh có ghi chữ “T” biểu thị giai đoạn sóng tăng).

Từ đỉnh ấy, tuy có lúc này lúc khác, sóng theo hướng giảm là chủ đạo (xem hình 2 đường chéo màu đỏ có ghi “G”). Từ bấy đến nay (08/17), có 5 sóng xuống kể cả to lẫn nhỏ và kết thúc tuần trước đang ở mức thấp nhất kể từ 16 tháng trở lại đây. Đà giảm chưa muốn dừng nếu nhìn từ phía kỹ thuật.

Phiên cuối tuần trước (24/11), giá sàn London dừng ở mức 1737, ngay trước mũi khu vực 1735-1730. Tránh vùng nguy hiểm này để đóng cửa ở 1749 USD/tấn, London được xem như tạm thời ở “an toàn khu”.

Trong những ngày tới, bao lâu giá robusta London quay về vùng thấp và có đóng cửa dưới 1735-1730, thì chắc có nhiều chuyện không may xảy ra cho sàn này: xuống hướng 1675-1650.

Rõ ràng về tâm lý, mức này không ai muốn thấy, nhưng khi các nhà kinh doanh kỹ thuật của quỹ đầu tư tài chính chỉ ngồi trước biểu đồ mà không cần biết khó nhọc để làm ra hạt cà phê như thế nào...thì mức 1700-1675-1650...đơn giản chỉ là một “dấu chấm thứ hai để tạo nên một đường thẳng”.

Xét theo bình quân động (BQĐ), giá robusta London đóng cửa cuối tuần trước nằm sâu dưới mức BQĐ 5 ngày là 1775, 20 ngày ở 1827...lại càng tiêu cực.

Liệu có điều kiện nào để sàn này bật tăng lại qua khỏi 1827 (BQĐ 20 ngày) hay đỉnh cũ mới mất gần đây 1838? 

Chỉ có phép mầu! Sàn London đang bị bao vây toàn chuyện tiêu cực: giới đầu tư đang trong trào lưu bán khống, Việt Nam chuẩn bị ra vụ mùa mới, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nay mai có thể tăng lãi suất đồng USD, sàn kỳ hạn arabica không tăng cao như kỳ vọng dù lượng dư bán của các quỹ đầu tư quá lớn...

Tuy nhiên, nếu tính đỉnh cao nhất gần đây là 2.150, thì đến nay London đã mất 400 USD. Thị trường đang chờ một đợt chỉnh kỹ thuật...Nhưng liệu lấy lại 100 USD tức lên lại 1850 USD có dễ không khi nhiều người đang chực giá lên để bán?

Thị trường cà phê trong nước: Giá nội địa chỉ tăng nhẹ khi có điều chỉnh kỹ thuật

Giá kỳ hạn robusta giảm và đứng tại mức 1749 USD/tấn. Như vậy cả tuần trước mất 75 USD mỗi tấn nhưng giá cà phê nội địa giảm 2 triệu đồng mỗi tấn, mất nhiều hơn kỳ vọng đã đưa ra trong bài tuần trước.

Sở dĩ giá cà phê nội địa mất nhiều hơn dự báo có thể từ áp lực bán ra xuất phát từ tâm lý lo sợ giá trong tuần còn rớt nữa. Hàng niên vụ mới ra chưa mạnh nhưng giá nội địa vẫn giảm, đấy cũng có thể do lượng bán khống hàng thực và chốt giá bán trên sàn kỳ hạn nhiều.

Tâm lý sợ giá tiếp tục rớt không có lợi cho thị trường nội địa. Biết là vậy, nhưng mua bán “rỉ tai”, “bầy đàn”, người này thấy người khác bán, cùng bán theo...càng tạo thêm hoảng loạn trên thị trường.

Nếu không kịp thời giải thích và trấn an để cắt bớt nguồn bán khống, giá cà phê nội địa có thể theo đà để xuống 36 thậm chí 35 triệu đồng mỗi tấn.

Mức hiện nay đang 37 triệu đồng mỗi tấn tại vùng nguyên liệu, lên được 38 triệu sẽ là một cố gắng nếu như có một đợt chỉnh tăng trên sàn kỳ hạn robusta trong tuần này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục