Đức đưa đồng NDT của Trung Quốc vào dự trữ ngoại hối quốc gia

14:51' - 16/01/2018
BNEWS Ngày 16/1, Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) thông báo sẽ đưa đồng Nhân dân tệ (NDT) vào dự trự ngoại hối của nước này, một động thái giúp củng cố chiến lược quốc tế hóa đồng nội tệ của Bắc Kinh.
Đồng tiền giấy mệnh giá 100 NDT tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với báo giới, thành viên Ban lãnh đạo Bundesbank, ông Joachim Wuermeling cho hay quyết định trên là một phần trong chiến dịch đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối dài hạn của Bundesbank, đồng thời phản ánh vị thế của đồng NDT trên hệ thống tài chính quốc tế.

Trước đó, từ tháng 7/2017, Bundesbank đã thông báo quyết định đầu tư vào đồng NDT sau khi nhận thấy vai trò ngày càng quan trọng của đồng tiền này. Tuy nhiên, Bundesbank không nêu rõ số tiền đầu tư vào đồng NDT.

Ông Wuermeling cho hay từ năm 2003, Bundesbank đã đưa đồng đô-la Australia (AUD) vào hệ thống dự trữ ngoại hối nước này sau khi có quyết định tương tự với đồng USD và đồng yên của Nhật Bản, đồng thời tìm kiếm khả năng đầu tư vào đồng tiền khác. Dự trữ ngoại hối của Bundesbank vào tháng 11/2017 ước tính khoảng 170 tỷ euro (tương đương 210 tỷ USD).

Động thái trên được đưa ra sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi tháng 6 năm ngoái cũng có động thái tương tự sau khi quyết định đầu tư 500 triệu euro (611 triệu USD) vào đồng NDT.

Với những diễn biến trên, Trung Quốc đã đạt bước tiến lớn trong tiến trình quốc tế hóa đồng NDT sau khi hồi tháng 9/2016 đồng tiền này cùng với USD, đồng bảng Anh, đồng yên của Nhật Bản và euro chính thức được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa vào giỏ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SRD).

Để ổn định đồng nội tệ, Ngân hàng trung ương Trung Quốc chỉ cho phép tăng hoặc giảm giá đồng NDT ở mức 2% theo biên độ giao dịch hàng ngày. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương nước này mới đây đã phải tăng biên độ giao dịch để đối phó với sức ép từ các thị trường. Nhờ vậy, đồng NDT dường như đã được hưởng lợi thế do sự giảm giá của đồng USD./.

>>>Đồng NDT còn nhiều “dư địa” để gia tăng mức độ sử dụng trên thế giới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục