EU quan ngại "mục tiêu hội nhập sâu hơn vào lục địa Á-Âu" của Trung Quốc

05:30' - 29/05/2017
BNEWS Trang tin Stratfor đã đăng bài phân tích xung quanh Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc và những quan ngại của châu Âu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc họp báo về sáng kiến Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Mặc dù Bắc Kinh từng tuyên bố mục đích của họ nhằm hội nhập sâu hơn vào lục địa Á-Âu thông qua Con đường Tơ lụa, nhưng dường như thực tế Trung Quốc lại nhấn mạnh hơn đến các khu vực Trung và Đông Âu cũng như Địa Trung Hải. 

Chiến lược của Trung Quốc gây ra quan ngại đối với Liên minh châu Âu (EU). EU lo ngại rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các quốc gia tại các khu vực trên có thể đe dọa tới EU, gây ra những chia rẽ lớn hơn về chính trị và kinh tế của toàn khối. 

Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc bao gồm 6 hành lang kinh tế. Dưới góc độ ý thức hệ và địa chính trị, châu Âu là điểm đến cuối cùng của Con đường Tơ lụa mới.

Việc tăng cường kết nối với châu Âu có thể đem đến cho Trung Quốc cơ hội tiếp cận các thị trường mới cũng như công nghệ cao và các cơ sở chiến lược, do đó có thể giúp Trung Quốc thúc đẩy các kế hoạch cải cách công nghiệp trong nước.  

Trải qua nhiều thế kỷ, thương mại giữa EU và Trung Quốc đã chứng kiến nhiều thay đổi dọc Con đường Tơ lụa cũ, với các chu kỳ từ thịnh vượng đến bất ổn, thậm chí chiến tranh và xu hướng đó tiếp tục kéo dài tới ngày nay. 

Trung Quốc hiện đang cố gắng giữ chính sách tái cân bằng để giảm bớt phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và kinh tế ở vùng duyên hải phía Đông. Đồng thời, nước này cố gắng xây dựng vị thế tương xứng với sức mạnh kinh tế và quân sự. 

Trong bối cảnh các phong trào chủ nghĩa dân tộc và bất đồng về kinh tế đang nổi lên gây ra nguy cơ làm tê liệt châu Âu, đồng thời toàn khối đang đối mặt với những thách thức liên quan đến các hoạt động của Nga và trật tự chính trị mới nổi lên tại Trung Đông, Trung Quốc lại thấy đây là cơ hội để tăng cường quan hệ với EU thông qua sáng kiến trên. 

Trước hết, Trung Quốc tập trung vào các sáng kiến thương mại và đầu tư tại lục địa châu Âu vì hai bên vốn đã có sẵn các mối quan hệ thương mại chặt chẽ. Tại Nam Âu, Trung Quốc thấy được cơ hội trong lĩnh vực tư nhân hóa, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng. 

Lợi ích của Trung Quốc tại Tây Âu lại khác, Bắc Kinh dường như quan tâm đến việc mua lại các tài sản chiến lược cùng với các kết quả nghiên cứu phát triển. Thông qua việc mua lại các công ty của Đức, Thụy Sĩ như Công ty Robot KUKA AG, Syngenta… cho phép Trung Quốc có cơ hội tiếp cận với các công nghệ hiện đại.

Trung Quốc cũng tìm cách thông qua việc đạt được các hiệp định để giúp các kênh phân phối và các nhãn hàng của mình mở rộng thâm nhập vào thị trường châu Âu.  

Dường như các dự án liên quan đến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc ở các nước phát triển châu Âu phần lớn mới dừng lại ở việc cấp vốn, đây cũng là điều các quốc gia tham gia thấy hấp dẫn hơn so với các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ mà Bắc Kinh đã thực hiện ở các nơi khác. 

Các thỏa thuận tài chính này tuy còn hạn chế về phạm vi, nhưng nó cho phép Trung Quốc tạo được mối quan hệ với các quốc gia phương Tây, đồng thời tích lũy được kinh nghiệm trong hợp tác với các nước trong khu vực, bao gồm cả Vương quốc Anh hậu Brexit (Anh rời khỏi EU). 

Chính phủ Anh gần đây mô tả Bắc Kinh như một "đối tác tự nhiên" trong thương mại và đầu tư, và Trung Quốc có thể sử dụng lợi thế này để vận động để các nước nới lỏng các quy định đối với đầu tư của Trung Quốc, qua đó tăng cường tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu. 

Trung Quốc được cho là quan tâm đến hành lang vận chuyển đường biển để phục vụ xuất khẩu hàng hóa. Bắc Kinh đang theo đuổi các dự án cảng biển tại các quốc gia từ Địa Trung Hải tới Bắc Âu, như Rotterdam và Antwerp.

Các công ty Trung Quốc đã đầu tư xây dựng các cảng biển tại Italy và Tây Ban Nha. Bắc Kinh cũng bày tỏ quan tâm tới cảng Sines của Bồ Đào Nha để kết nối với các cảng tại Biển Adriatic.  

Bên cạnh các tuyến đường thủy kết nối các cảng biển dọc theo Con đường Tơ lụa, Bắc Kinh cũng đang quan tâm tới việc xây dựng các tuyến đường sắt để kết nối các cảng này với lục địa.

Để kết nối giữa cảng Piraeus (Hy Lạp) với Trung Âu, Trung Quốc đã đề xuất dự án hiện đại hóa tuyến đường sắt dài 350 km kéo dài từ Belgrade đến Budapest. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang có kế hoạch nâng cao chất lượng các tuyến đường sắt kết nối giữa các thành phố công nghiệp vùng duyên hải và sâu trong lãnh thổ Trung Quốc với Hamburg, Warsaw và Rotterdam thông qua Nga và Trung Á.

Tuy nhiên, so với đường thủy thì các dự án đường sắt được cho có nhiều hạn chế hơn vì chi phí tốn kém, năng lực vận chuyển thấp hơn cùng nhiều quy định khắt khe từ các nước liên quan. 

Việc thuyết phục các thành viên EU tham gia sáng kiến này là điều không dễ dàng. Một số thành viên EU vẫn không hết hoài nghi về các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số quốc gia Nam Âu như Hy Lạp vốn đang nợ nần chồng chất lại sẵn sàng đón nhận các dòng đầu tư của Trung Quốc. Một số quốc gia Đông Âu như Hungary và Ba Lan cũng nhất trí với các khoản đầu tư Trung Quốc... 

Trước đây, dường như Đông Âu chưa nằm trong ưu tiên đầu tư của Bắc Kinh. Mức đầu tư của Trung Quốc tại đây chưa bao giờ vượt ngưỡng 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước tại khu vực, ngoại trừ Hungary. Tuy nhiên, khi Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến trên, tại Đông Âu và Trung Âu, một số quốc gia trong khu vực sẽ có lợi thế để đàm phán với Trung Quốc. 

Tuy nhiên, Bắc Kinh được cho là sẽ đối mặt với không ít thách thức tại châu Âu. Hiện Pháp, Đức - những thành viên quan trọng của EU - cũng đang là những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, sáng kiến trên của Trung Quốc chỉ tập trung vào các khu vực Nam, Trung và Đông Âu. 

Điều này có nghĩa là Trung Quốc chỉ tập trung đầu tư vào các khu vực trọng điểm của EU nhằm tăng cường sự hiện diện tại châu Âu. Điều này không khỏi làm gia tăng các mối nghi ngờ từ EU.

Hiện các doanh nghiệp châu Âu cũng đang gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc ngay tại lãnh địa của mình. 

Đó cũng là lý do tại sao Chính phủ Đức đã đưa ra tuyên bố sẽ không ký vào thông cáo chung của Diễn đàn "Vành đai và Con đường" nếu Trung Quốc không đảm bảo tự do và bình đẳng trong thương mại.  

Một EU bị chia rẽ nhiều hơn có lẽ cũng không phải là mối bận tâm của Trung Quốc. Tuy nhiên, các hành động của Bắc Kinh rõ ràng đang tạo ra những chia rẽ mới trong EU. Cộng hòa Czech và Đan Mạch đã từ bỏ các cáo buộc liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. 

Hà Lan đã công nhận tư cách nền kinh tế thị trường của Trung Quốc. Như vậy, rõ ràng khi Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hợp tác với châu Âu, một số quốc gia thành viên EU phải đi đến lựa chọn giữa vấn đề ý thức hệ chính trị và các lợi ích kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục