EVNNPT tiếp nối truyền thống – Bài 6: Định hướng phát triển

15:08' - 15/05/2018
BNEWS Trước tiên mong muốn EVNNPT thực hiện thành công tầm nhìn trở thành doanh nghiệp Truyền tải điện hàng đầu khu vực và thế giới, thì yếu tố tiên quyết mà EVNNPT cần chính là Con người và Văn hóa.
Phòng điều khiến Trạm biến áp 500kV Tân Định - Bình Dương. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Để Chiến lược phát triển Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 có thể thực hiện được và đi vào thực tiễn, các giải pháp mà EVNNPT đưa ra tập trung vào nhiều lĩnh vực trọng tâm như: Tổ chức bộ máy và Phát triển nguồn nhân lực, Khoa học và công nghệ, Đầu tư xây dựng, Quản lý vận hành, Tài chính và Huy động vốn, Thông tin truyền thông Quan hệ cộng đồng và Hợp tác quốc tế, Bảo vệ môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu...  

Trước tiên mong muốn EVNNPT thực hiện thành công tầm nhìn trở thành doanh nghiệp Truyền tải điện hàng đầu khu vực và thế giới, thì yếu tố tiên quyết mà EVNNPT cần chính là Con người và Văn hóa. Con người phải được đặt ở vị trí phù hợp, đó là những con người tâm huyết nhất, phù hợp nhất đối với công việc và được đặt ở vị trí phát huy tốt nhất năng lực của mình.

Vì vậy, cùng với việc hoàn thiện mô hình tổ chức và đầu tư phát triển nguồn nhân lực là định hướng chiến lược phát triển đầu tiên mà EVNNPT hướng đến, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức gương mẫu, có phẩm chất đạo đức tốt, tận tâm đi đầu trong mọi công việc.

Hiện tại, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của EVNNPT chưa được chuẩn hóa, dẫn tới thiếu hụt trong tương lai cả đội ngũ công nhân lành nghề lẫn các nhân sự kỹ thuật, nhân sự quản lý có trình độ cao.

Thêm vào đó, cần thiết phải thành lập một bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) có nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ, đầu tư và quản lý vận hành. Vì vậy, với mục tiêu đến năm 2025 là “Xây dựng mô hình tổ chức chuyên nghiệp hóa và hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến”, EVNNPT xác định giải pháp đầu tiên là: Thành lập “Trung tâm phát triển nguồn nhân lực truyền tải điện” để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho tổ chức, thực hiện công tác nghiên cứu và phát triển (R&D).

Việc hoàn thiện mô hình tổ chức của EVNNPT phải đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hóa trong công tác quản lý vận hành; nghiên cứu chuyển từ mô hình 4 cấp hiện nay (EVNNPT, các công ty truyền tải điện, các truyền tải khu vực, các đội sửa chữa) sang mô hình 3 cấp (EVNNPT, các công ty truyền tải điện khu vực, các công ty truyền tải điện địa phương). Các công ty truyền tải địa phương trực tiếp quản lý các đội đường dây, trạm biến áp.

Trạm biến áp 220kV Châu Đốc. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Với mục tiêu tới năm 2020 là “Xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, nâng cao năng suất lao động”, giải pháp được EVNNPT đưa ra bao gồm: Hoàn thiện công tác quy hoạch cán bộ, tổ chức đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong diện quy hoạch và đương nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, lý luận chính trị, ngoại ngữ; thực hiện công tác nhận xét, đánh giá cán bộ hàng năm, trước khi bổ nhiệm và bổ nhiệm lại, thực hiện công tác luân chuyển cán bộ.

Trên cơ sở phát huy ưu điểm của công tác đào tạo, bồi dưỡng những năm qua, Tổng Công ty cần mở rộng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại, nâng cao theo các chuyên ngành để từng bước chuẩn hóa công tác đào tạo; tăng quy mô và tỷ trọng được đào tạo, đặc biệt là các kỹ sư giỏi, chuyên gia đầu ngành ở tất cả các lĩnh vực trong kỹ thuật và quản lý.

EVNNPT đồng thời cần đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học có uy tín trong nước để đào tạo các cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý; nghiên cứu định hướng để đảm bảo chương trình đào tạo gắn kết với thực tế; hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu trong thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong truyền tải điện.

Việc cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu một số lĩnh vực then chốt ở những nước có dịch vụ truyền tải điện hàng đầu thế giới, cũng là một giải pháp mà EVNNPT quan tâm. Đồng thời, Tổng Công ty cần đẩy mạnh nghiên cứu để tiến tới ký kết đối tác chiến lược với các tổ chức truyền tải điện hàng đầu trên thế giới như RTE (Pháp), Elia (Bỉ)... Chú trọng tới chất lượng nguồn nhân lực ngay từ khâu tuyển dụng. Có chính sách hợp lý để ưu tiên, khuyến khích hỗ trợ các học sinh giỏi là con em của cán bộ, công nhân viên ngành Điện ngay từ khi còn học tại nhà trường.

EVNNPT cần ưu tiên nghiên cứu và nâng cao trình độ chuyên sâu cho cán bộ kỹ thuật về kỹ thuật số, tự động hóa, trong đó ưu tiên đào tạo tích hợp hệ thống điều khiển bảo vệ và giám sát; đào tạo về CNTT, bảo mật, chuẩn đoán và thí nghiệm thiết bị.

Việc có phòng thí nghiệm điện đạt các tiêu chuẩn quốc tế là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay, nhằm kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào công việc cụ thể. Vì thế, EVNNPT hướng tới xây dựng phòng thí nghiệm điện chuẩn quốc tế tới cấp điện áp 500kV để đảm bảo tự chủ trong công tác thí nghiệm, kiểm định chất lượng của các thiết bị điện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng các thiết bị điện./.

Bài 7: Thành tựu là ứng dụng khoa học công nghệ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục