Ex-Im Bank đóng cửa, General Electric chuyển hướng ra nước ngoài

15:32' - 16/09/2015
BNEWS Lãnh đạo General Electric và một số công ty lớn khác của Mỹ tiếp tục hối thúc các nhà lập pháp Mỹ gia hạn hoạt động của Ex-Im Bank để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Mỹ.

Trong một bước đi phản ánh thái độ bất bình với việc Quốc hội đóng cửa Ngân hàng hỗ trợ xuất nhập khẩu Ex-Im Bank, ngày 15/9 tập đoàn General Electric (GE) thông báo sẽ chuyển 500 việc làm từ Mỹ ra nước ngoài.

Thông cáo báo chí từ trụ sở GE ở thành phố New York cho biết lý do GE chuyển việc làm từ Mỹ ra nước ngoài là vì không còn được quyền tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ và tín dụng từ Ex-Im Bank.

GE thất vọng khi Quốc hội Mỹ ngừng hoạt động của Ex-Im Bank. Nguồn: Reuters

Khoảng 500 việc làm được chuyển từ Mỹ ra nước ngoài chủ yếu liên quan tới các nhà máy chế tạo tuốc bin điện.

Có khoảng 400 trong tổng số 500 việc làm này sẽ được chuyển sang nhà máy chế tạo tuốc bin sử dụng xăng ở thành phố Belfast của Pháp, số còn lại chuyển sang Hungary và Trung Quốc.

Phó Chủ tịch GE, ông John Rice, cho biết GE thất vọng vì đã nỗ lực hết mình nhưng cuối cùng Quốc hội Mỹ vẫn không gia hạn hoạt động của Ex-Im Bank sau khi ngân hàng 81 năm tuổi này hết quyền hoạt động từ ngày 30/6 vừa qua.

Trước đó, ngày 29/7, lãnh đạo của hãng chế tạo máy bay danh tiếng Boeing cũng đã thông báo đang cân nhắc chuyển các bộ phận chủ yếu của hang ra nước ngoài.

Chủ tịch Boeing, ông Jim McNerney, cho biết do cuộc tranh cãi kéo dài tại Quốc hội Mỹ về tương lai của Ex-Im Bank “chúng tôi buộc phải tích cực cân nhắc chuyển một số hoạt động chủ yếu của hãng” sang những quốc gia nào có chính sách hỗ trợ xuất nhập khẩu.

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama cũng đã nhiều lần kêu gọi Quốc hội gia hạn hoạt động của Ex-Im Bank.

Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp Mỹ muốn đóng cửa cơ quan liên bang này với lý do Ex-Im Bank chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp lớn thay vì mục tiêu đặt ra là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một số nghị sỹ thậm chí còn nghi ngờ về mối quan hệ giữa Ex-Im Bank với các cuộc bầu cử.

Một bằng chứng được đưa ra là, trong khoản ngân sách được cấp 20,5 tỷ USD trong tài khóa 2014, Ex-Im Bank chỉ chi 5 tỷ USD hỗ trợ xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ, số còn lại là cho các tập đoàn doanh nghiệp.

Ngân hàng Ex-Im Bank được thành lập từ năm 1934, trở thành một cơ quan liên bang độc lập.

Trên nguyên tắc, Ex-Im Bank được thành lập để hỗ trợ việc xuất khẩu của các doanh vừa và nhỏ của Mỹ, thông qua việc cấp tín dụng cho các công ty nhập khẩu của nước ngoài để tạo điều kiện cho họ nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.

Tuy nhiên, trên thực tế trong nhiều năm qua, chỉ có khoảng 20% tín dụng của Ex-Im Bank giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khi 80% còn lại là đổ vào giúp các đại công ty và các tập đoàn như Boeing, GE và Dow Chemical.

Thái Hùng (P/v TTXVN tại Washington)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục