Falcon Private Bank bị tước giấy phép hoạt động, nghi vấn rửa tiền

15:48' - 11/10/2016
BNEWS Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore sẽ đóng cửa Falcon Private Bank vì nghi ngân hàng này thiếu giám sát trong hoạt động chống rửa tiền liên quan tới 1MDB.
Singapore tước giấy phép hoạt động của Falcon Private Bank. Ảnh: MAS

Trong một bước đi tiếp theo nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố, Singapore ngày 11/10 cho biết sẽ đóng cửa chi nhánh tại Singapore của Falcon Private Bank (Thụy Sỹ) do nghi vấn liên quan đến hoạt động rửa tiền cho quỹ đầu tư nhà nước 1MDB của Malaysia.

Theo đó, Falcon Private Bank sẽ phải đối mặt với việc bị ngưng hoạt động tại “quốc đảo Sư tử” cũng như phải chịu án phạt lên tới 4,3 triệu SGD (3,12 triệu USD).

Falcon là ngân hàng thứ hai bị tước giấy phép hoạt động liên quan tới vụ 1MDB tại Singapore. Trong ba năm qua, MAS đã tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với 27 tổ chức tài chính về những hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Mới đây, vào ngày 21/7/2016, MAS đã rút giấy phép hoạt động của chi nhánh tại Singapore của ngân hàng tư nhân BSI SA (Thụy Sỹ) do những cáo buộc liên quan tới nghi vấn rửa tiền cho 1MDB, đồng thời công bố kế hoạch điều tra bốn ngân hàng vi phạm nghiêm trọng các quy định về chống rửa tiền, phong tỏa 117 triệu USD tài sản có liên quan đến quỹ đầu tư 1MDB.

Cũng trong tháng 7/2016, Singapore đã phạt tù từ 2-5 năm đối với bốn đối tượng người Bangladesh (Băngla Đét) bị kết tội quyên góp tài chính để thực hiện một âm mưu khủng bố tại đất nước họ.

Mặc dù Singapore được biết đến là có một khung pháp lý mạnh để ngăn ngừa "tiền bẩn" cũng như các nguồn tài trợ khủng bố, song do là một trung tâm tài chính có quy mô ngày càng phát triển, phức tạp và hội nhập nhiều hơn, nên rủi ro bị "lợi dụng" vì mục đích phi pháp cũng sẽ tăng theo.

Mặt khác, hơn 3/4 quỹ hoạt động tại Singapore là từ nước ngoài và hầu hết trong số đó không thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên cũng dễ dẫn đến có những "lỗ hổng" cho các dòng chảy vốn bất hợp pháp biến thành "tiền sạch". Chính vì vậy, Singapore cần có những biện pháp mạnh mẽ và cứng rắn nhắm tới các mục tiêu phức tạp hơn, cụ thể là các vụ việc gian lận và tham nhũng xuyên quốc gia.

Cũng liên quan đến đến vấn đề này, MAS tuyên bố phạt hai ngân hàng là DBS (Singapore) và UBS (Thụy Sĩ) với những sai phạm tương tự. Cụ thể, DBS phải đóng tiền phạt là 1 triệu SGD (khoảng trên 736.000 USD) vì đã 10 lần vi phạm các quy định chống rửa tiền, trong khi UBS bị phạt 1,3 triệu SGD (tương đương 957.000 USD) vì vi phạm quy định chống rửa tiền 13 lần.

MAS cũng yêu cầu hai ngân hàng khẩn trương làm rõ các sai sót, kịp thời giải quyết những "lỗ hổng" trong hệ thống kiểm soát và có biện pháp kỷ luật thích đáng đối với các nhân viên có liên quan.

Mặt khác, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore cũng cho biết đang hoàn tất đánh giá chi nhánh tại Singapore của ngân hàng Standard Chartered và sẽ sớm có kết luận trong thời gian tới.

Được biết, Singapore bắt đầu cuộc điều tra về hoạt động rửa tiền liên quan tới Quỹ 1MDB Malaysia vào năm 2015. Mỹ và Thụy Sĩ cũng đã mở cuộc điều tra về Quỹ 1MDB sau khi quỹ này tồn đọng khoản nợ hơn 11 tỷ USD.

Các công tố viên phát hiện các "dấu hiệu nghiêm trọng cho thấy tiền phân bổ cho các công ty nhà nước (của Malaysia) bị biển thủ" và nhiều khoản tiền được chuyển tới tài khoản của các cựu quan chức Malaysia và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục