FTA giữa Việt Nam và EAEU đạt hiệu quả rõ ràng

08:57' - 06/10/2017
BNEWS Theo tham tán Thương mại Việt Nam tại LB Nga Dương Hoàng Minh, trong một năm qua, FTA giữa Việt Nam và EAEU đã thể hiện hiệu quả rất rõ ràng.

Nhân dịp một năm ngày Thỏa thuận Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) có hiệu lực, Tham tán Thương mại Việt Nam tại LB Nga Dương Hoàng Minh đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Moskva về những kết quả đầu tiên của thỏa thuận này.

Theo ông Dương Hoàng Minh, trong một năm qua, FTA giữa Việt Nam và EAEU đã thể hiện hiệu quả rất rõ ràng. Theo thống kê của EAEU, kim ngạch song phương với Việt Nam từ tháng 1- 8 năm nay đạt 2,79 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,97 tỷ USD, tăng 29,5%; còn xuất khẩu từ EAEU đạt 825 triệu USD, tăng 11,3%.

Còn riêng giữa Việt Nam và LB Nga, theo thống kê của Hải quan Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017, kim ngạch song phương đạt 2,3 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,43 tỷ USD, tăng 36,8%, theo chiều ngược lại, xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam đạt 859 triệu USD, tăng 18%.

Các nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam vẫn đóng góp phần đáng kể trong kim ngạch như thủy sản (62,5 triệu USD), rau quả tuy mới chỉ đạt 21,2 triệu USD song lại tăng trưởng rất ấn tượng tới 42%, hàng dệt may đạt 120,7 triệu USD, tăng 87,5%, giày dép đạt 63 triệu USD, tăng 9,6%, điện tử máy tính và linh kiện đạt 80 triệu USD, tăng trên 20%...

Nguyên nhân của kết quả khả quan này, theo ông Dương Hoàng Minh, là nhờ FTA có hiệu lực, khiến tới 90% dòng thuế được giảm hoặc miễn.

Một tác động khác của thỏa thuận mà ông Dương Hoàng Minh nhấn mạnh đó là trong 1 năm qua các doanh nghiệp của cả hai bên đã tăng cường rất mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và bạn hàng ở cả hai nước.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang LB Nga vẫn còn nhiều khó khăn.

Thứ nhất, xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là hàng nguyên liệu, hàng sơ chế, chưa có nhiều hàng có giá trị gia tăng, dẫn đến giá trị xuất khẩu thấp.

Ở nhóm hàng thủy sản, một trong những thế mạnh của Việt Nam, số lượng các nhà xuất khẩu sang Nga và EAEU bị hạn chế, với chỉ khoảng 20 doanh nghiệp. Đây cũng là một cản trở cho việc tăng kim ngạch.

Thứ hai, đồng ruble (rúp) mất giá và các biện pháp cấm vận của phương Tây với Nga khiến thanh toán cũng là một khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam vốn quen thanh toán qua ngoại tệ mạnh như USD hay euro.

Theo ông Dương Hoàng Minh, nếu tận dụng thêm được kênh thanh toán bằng đồng nội tệ (VNĐ và ruble), sẽ giảm được nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Khó khăn thứ ba là khoảng cách giữa hai thị trường rất xa, tuyến đường vận tải xa làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa tương đồng của các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, hay Thái Lan.

Ngoài ra, ở vị trí cơ quan đại diện và tư vấn cho các doanh nghiệp, ông Dương Hoàng Minh nhận thấy các doanh nghiệp còn thiếu hiểu biết về thị trường Nga.

Theo ông, công tác tuyên truyền, phổ biến về thị trường Nga cũng như thị trường EAEU đến doanh nghiệp và cả người tiêu dùng Việt Nam rất quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin vào thị trường cho doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp tích cực hơn trong tìm kiếm đối tác.

Về biện pháp cần thực hiện ngay song không ngắn hạn để có thể cải thiện được kim ngạch xuất khẩu cũng như tăng cơ hội chiếm lĩnh thị trường Nga, ông Dương Hoàng Minh cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến nhân lực biết tiếng Nga, để đáp ứng đặc thù của thị trường Nga ít sử dụng tiếng Anh.

Ngoài ra, xây dựng thương hiệu mạnh, tạo dựng các mặt hàng có giá trị gia tăng cao cũng là nhiệm vụ trong tầm tay của doanh nghiệp Việt Nam.

>>>Nâng cao chất lượng sản phẩm để tận dụng lợi thế so sánh với EAEU

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục