Thực thi EAEU: Doanh nghiệp Việt cần tránh tình trạng mạnh ai nấy lo

08:19' - 05/08/2017
BNEWS Các doanh nghiệp Việt khi tham gia các FTA giữa Việt Nam và EAEU cần lưu ý và “nhìn nhau” làm, tránh tình trạng mạnh ai nấy lo.

Tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước thuộc Liên minh kinh tế Á–Âu (EAEU), các doanh nghiệp cần sự lưu tâm tới nhiều yếu tố để không gây ảnh hưởng tới cả ngành sản xuất.

Một trong số đó là cơ chế ngưỡng và quy tắc xuất xứ. Điển hình như FTA Việt Nam - EAEU có nguyên tắc về cơ chế mức ngưỡng đối với sản phẩm dệt may và đồ gỗ.

Ngành dệt may Việt Nam. Ảnh: Hiền Hạnh-TTXVN.

Theo đó, khi hiệp định chính thức có hiệu lực, thuế suất đối với mặt hàng này được đưa về 0%; đồng thời, không yêu cầu quy tắc xuất xứ chặt từ sợi hoặc từ dệt trở đi như các hiệp định khác. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các quốc gia đối tác có lo lắng về việc mở thị trường cho dệt may nên đã áp dụng cơ chế mức ngưỡng. Tức là, nếu giá trị kim ngạch xuất khẩu dệt may sang EAEU tăng gấp 2 lần kim ngạch của 3 năm cộng lại thì họ sẽ khởi động mức ngưỡng. Nếu không kiềm chế thì họ sẽ ngừng ưu đãi và quay trở lại mức thuế cũ.

Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý và “nhìn nhau” làm, tránh tình trạng mạnh ai nấy lo. Việc xuất khẩu vượt ngưỡng có thể gây ảnh hưởng cũng như thiệt thòi tới tất cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và kéo theo hệ lụy là nguy cơ vỡ đơn hàng, vỡ kế hoạch.

Ngoài “cơ chế ngưỡng”, Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) còn yêu cầu quy tắc xuất xứ, được đánh giá là “chặt chẽ hơn TPP”. Bởi lẽ, các doanh nghiệp Việt Nam thường có xu hướng lách luật bằng cách nhiều thủ thuật để thay đổi quy tắc xuất xứ.

Theo nội dung đàm phán, EAEU chỉ cho phép vận chuyển trực tiếp, không cho phép chia nhỏ lô hàng. Đây là vấn đề mà các tập đoàn đa quốc gia vướng bởi họ làm theo dây chuyền cung ứng trong khi EAEU yêu cầu vận chuyển trực tiếp (cả công vận chuyển) từ Việt Nam thì mới được coi là đáp ứng quy tắc xuất xứ.

Hơn nữa, EAEU còn yêu cầu chặt về chứng nhận xuất xứ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải thực thi, nếu không sẽ bị tạm ngừng ưu đãi khi bị phát hiện gian lận xuất xứ có hệ thống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục