Gạo thảo dược Vĩnh Hòa – gian nan con đường phát triển thương hiệu

12:49' - 23/09/2016
BNEWS Ông Phan Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH khoa học công nghệ Vĩnh Hòa cho biết, cách thức tổ chức để xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hóa thật lắm gian nan!

Được nghe nhiều giai thoại về lão “phù thủy” nông dân Phan Văn Hòa, người “vẽ màu” cho hạt gạo, chúng tôi tìm đến Công ty TNHH khoa học công nghệ Vĩnh Hòa (Yên Thành, Nghệ An) và được mục sở thị cánh đồng lúa rộng 0,5 ha với 4 màu tiêu biểu từ các khóm lúa thảo dược, mới hay sự khéo léo và tâm huyết của người truyền cảm hứng phát triển thương hiệu “Lúa gạo xứ Nghệ”.

Từ thực tiễn gần 3 thập kỷ phát triển các giống lúa thuần, ông Hòa tâm sự: "Lâu nay, nhiều nhà đầu tư có nguồn vốn lớn, họ không mạnh dạn dám rót vốn vào ngành nông nghiệp, trực tiếp là cây lúa. Ước mơ của tôi là biến nông nghiệp thành ngành kinh tế năng động, ruộng đồng phải trở thành điểm tham quan, du lịch”.

Ý tưởng ấy đã thôi thúc ông, đầu tư bằng mọi nguồn vốn tự có trong gia đình, dòng họ, kể cả vay ngân hàng để đầu tư máy móc, công nghệ, thuê lao động cải tạo đồng ruộng để trồng lúa.

Gạo thảo dược Vĩnh Hòa – gian nan con đường phát triển thương hiệu. Ảnh: gaothaoduocvinhhoa.net.vn

Ban đầu, từ việc khảo nghiệm thành công giống lúa AC5 của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, ông Hòa đã cho nhân giống và trồng đại trà trên nhiều đồng ruộng ở các xã trong huyện như Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu…

Đến nay, trên các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có hơn 100 nghìn ha đất nông nghiệp trồng lúa AC5, nhờ đó, tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục vạn nông dân trong vùng, cũng như ở nhiều tỉnh, thành lân cận.  Đây là giống chất lượng cao, hạt mẩy, nấu cho cơm thơm, dẻo và được nhiều người ưu thích. 

Sau thành công của giống lúa thuần AC5, ông Hòa tiếp tục lai tạo giống lúa VH1, với đặc tính vượt trội là chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu và kháng sâu bệnh. Lúa cho năng suất cao; hạt gạo có màu tím, chứa hàm lượng lớn vi chất dinh dưỡng và vi lượng có lợi cho sức khỏe, thậm chí góp phần hỗ trợ trong điều trị một số bệnh như ung thư, tiểu đường, loãng xương…

Chính vì có khả năng chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu, lại cho năng suất và chất lượng cao nên sau giống lúa VH1, doanh nghiệp tiếp tục giới thiệu ra thị trường VH2, VH3, VH4 và rất được nông dân tin dùng, sản phẩm dần được quảng bá rộng khắp trong và ngoài tỉnh, thậm chí vươn xa cả sang một số nước láng giềng trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan…. 

Gần đây nhất, Công ty Vĩnh Hòa đã ký biên bản xuất khẩu gần 100 nghìn tấn gạo thảo dược sang Hàn Quốc. Và cũng qua kênh này, gạo thảo dược Vĩnh Hòa sẽ chào bán ra thị trường Mỹ.

Ông Phan Duy Hùng, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Nghệ An nhận định, trong số những loại gạo đặc sản, đặc trưng của khu vực Bắc Trung Bộ, thì giống lúa thảo dược của Vĩnh Hòa đã không chỉ góp phần tạo nên danh tiếng của “lúa gạo xứ Nghệ” nói riêng, mà còn giúp nâng cao giá trị thương hiệu gạo Việt Nam nói chung.

Với quyết tâm đầu tư và sáng tạo từ khâu lai tạo giống, sàng lọc theo tiêu chuẩn, thực hiện dây chuyền sản xuất gạo sạch với các khâu như khử độc, sấy khô, xử lý bao bì bảo quản và đóng gói… đã giúp gạo thảo dược Vĩnh Hòa tăng năng suất, mang lại giá trị thương phẩm cao hơn hẳn so với các loại gạo thông thường.

Qua đó, giúp tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục vạn nông dân ở Nghệ An và các vùng xung quanh.

Điều trăn trở lớn nhất của doanh nghiệp chính là cách thức tổ chức để xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hóa. Ông Phan Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH khoa học công nghệ Vĩnh Hòa cho biết, con đường này thật lắm gian nan! 

Lão “phù thủy” nông dân Phan Văn Hòa, người “vẽ màu” cho hạt gạo. Ảnh: gaothaoduoc.wordpress.com

Ông Hòa đơn cử, ngay như việc phát triển các cánh đồng mẫu lớn ở nhiều địa phương, cũng chỉ mang tính phong trào, hình thức là chủ yếu, chứ chưa thực chất, chưa gắn được trách nhiệm và quyền lợi thiết thực của nông dân, doanh nghiệp.

Thiếu vắng sự song hành của nhà khoa học, thiếu sự hỗ trợ của các cấp, ngành địa phương trong các khâu từ tổ chức thực hiện, đến thu hoạch, tìm đầu ra cho sản phẩm và phát triển thị trường… Đây được xem những rào cản đang khiến người tham gia khó mặn mà, cũng như thiếu sự mạnh dạn đầu tư. 

Một rào cản nữa là mắt xích giữa Nhà nước với nhà doanh nghiệp trong chuỗi liên kết 4 nhà còn rất lỏng lẻo, đôi khi còn có sự đối kháng về quyền lợi, dẫn tới nhiều ngáng trở gây ảnh hưởng cho hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương.

Ngay như việc chứng nhận một lá thư mời các đối tác từ châu Âu hay Hàn Quốc tới tham quan và hợp tác đầu tư cùng Vĩnh Hòa trong phát triển thị trường, đưa giống lúa thảo dược tiếp cận với người tiêu dùng thế giới… cũng không được chính quyền cấp xã, cấp huyện ủng hộ.

Hay như việc doanh nghiệp bị từ chối cấp sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp ở cấp huyện, cấp xã cho dù đã được tỉnh chỉ đạo; cho dù doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và đang tạo nhiều việc làm cho lao động trên địa bàn.

Điều đó cho thấy chính quyền địa phương chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động. Thiếu những điều kiện này, doanh nghiệp không thể tiếp cận vay vốn ngân hàng để mở rộng đầu tư cũng như tạo nền tảng và niềm tin với đối tác làm hạn chế sự vươn xa phát triển thị trường, ông Hòa nhấn mạnh. 

Ông Trần Văn Tuân Chủ tịch Hội doanh nghiệp cựu chiến binh tỉnh Nghệ An, cho biết, đã đồng hành cùng doanh nghiệp tới nhiều cấp, ngành để kiến nghị giải quyết.

Tuy nhiên đây là vấn đề lịch sử để lại, cũng chồng chéo nhiều vấn đề tranh chấp đất đai giữa cá nhân với tập thể, khiến cho vụ việc bị kéo dài. Nhưng dù cho thế nào, chính quyền ở cấp xã, cấp huyện vẫn cần sự nhiệt tình, đồng hành với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp làm nông nghiệp. 

Trở lại vấn đề phát triển thương hiệu cho gạo Vĩnh Hòa, ông Phan Duy Hùng, VCCI chi nhánh Nghệ An nhấn mạnh, mỗi doanh nghiệp cần ý thức sâu sắc việc quảng bá và xây dựng thương hiệu cho chính mình, chứ không chỉ trông chờ vào chính quyền hay hiệp hội.

Muốn vậy, doanh nghiệp cần có kiến thức, năng lực, năng động và phải được đào tạo, tập huấn để đáp ứng được những yêu cầu đó. Quan trọng nhất, là cần làm tốt công tác tổ chức phân phối, bán lẻ, đồng thời tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, đăng ký thương hiệu độc quyền.

Tuy nhiên, không thể thiếu sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, ngành và địa phương với hơn hết, đây chính là nơi tạo niềm tin và động lực cho doanh nghiệp vững vàng tâm thế trên chặng đường phát triển thương hiệu.

Trước nhiều khó khăn, ngáng trở là vậy song doanh nghiệp chưa khi nào ngừng hy vọng và tiếp tục dày công sáng tạo. Sau bức họa hình Tổ quốc được vẽ bằng gạo thảo dược, tới đây, Vĩnh Hòa sẽ cho ra đời bức ảnh Bác Hồ được vẽ từ 4 màu tím, đỏ, vàng, trắng của gạo thảo dược Vĩnh Hòa./.

>>> Ngành chức năng phản hồi nguyên nhân gạo nấu thành cơm chuyển màu tím sen

>>> Việt Nam và Thái Lan thắng thầu cung cấp 250.000 tấn gạo sang Philippines

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục