Gập ghềnh xã hội hóa giao thông nông thôn

06:45' - 02/11/2015
BNEWS Để tìm hiểu những giải pháp nhằm thu hút được nhiều nguồn lực xã hội cùng tham gia, phóng viên BNews/Thông tấn xã Việt Nam đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Giao thông nông thôn ở Cà Mau phát triển nhanh tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn đã được “thay da đổi thịt” nhờ những dự án “cứng hóa” mặt đường từ thị xã đến thôn xóm. 

Tuy nhiên, kinh phí ở mức khiêm tốn đã kéo theo quy mô xây dựng nhỏ hẹp, hạn chế về tải trọng, giảm hiệu quả đầu tư phát triển đường giao thông nông thôn.

Để tìm hiểu những giải pháp nhằm thu hút được nhiều nguồn lực xã hội cùng tham gia, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết, phát triển giao thông nông thôn đến nay đã đạt được những kết quả nào?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Trong những năm qua, mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế, Bộ Giao thông Vận tải, các Bộ, ngành và các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách sách về giao thông nông thôn, nhiều tổ chức và nhân dân đã ủng hộ vốn, nhân công, vật liệu xây dựng và đất đai cho phát triển hạ tầng giao thông.

Cho đến nay đã nâng cấp 47.436 km đường đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ và mở mới 61.400 km đường thôn xóm bằng các vật liệu tại chỗ, xây mới 15.474 cầu.

Có được kết quả này có đóng góp của các nguồn vốn nhà nước, đóng góp của nhân dân và xã hội hóa cho giao thông nông thôn đạt 186.194 tỷ đồng; trong đó vốn xã hội hóa được 4.703 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 27.027 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã triển khai các dự án ODA nâng cấp, bảo trì đường giao thông nông thôn với tổng số vốn 4.990,3 tỷ đồng. Nhờ vậy, diện mạo giao thông nông thôn đã có bước phát triển vượt bậc, phục vụ tốt hơn cho đời sống dân sinh, góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phóng viên: Bên cạnh những tỉnh đạt tỷ lệ cao cứng hóa đường giao thông nông thôn như Vĩnh Phúc, Bình Dương thì vẫn còn nhiều tỉnh đạt tỷ lệ rất thấp. Xin ông cho biết đâu là lý do?

Nhiều tuyến đường liên ấp ở Bạc Liêu đã được bê tông hóa. Ảnh: Thanh Liêm-TTXVN

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Trên thực tế, một số tỉnh có địa hình rộng, phức tạp, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, phân tán, thu nhập thấp nên huy động vốn xã hội xây dựng các công trình hạ tầng rất khó khăn, đặc biệt huy động nguồn lực xây dựng giao thông nông thôn rất khó vì địa hình đồi núi, chia cắt, độ dốc lớn, suất đầu tư cao trong khi nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ để thực hiện cứng hóa giao thông nông thôn có nhiều ưu tiên nhưng chưa thể đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, thu ngân sách của một số địa phương còn thấp, chưa thể tự cân đối thu chi nên việc bố trí ngân sách địa phương cho giao thông nông thôn còn rất hạn chế.

Phóng viên: Thưa ông, đâu là khó khăn khiến việc thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Việc thu hút vốn của xã hội đầu tư xây dựng cơ bản nói chung và cho phát triển giao thông nông thôn nói riêng luôn rất khó khăn.

Trước hết các công trình công cộng này phục vụ chung cho toàn xã hội, suất đầu tư lớn, trải dài, mang tính rủi ro cao vì các công trình này ngoài trời nên chịu ảnh hưởng trực tiếp khí hậu nắng mưa, bão lũ, khả năng thu hồi vốn đầu tư thấp, kéo dài hoặc không thể thu hồi vốn được.

Chính vì vậy thời gian qua, việc thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào giao thông nông thôn vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Phóng viên: Thưa ông, bài toán về vốn đã được Bộ Giao thông Vận tải giải quyết như thế nào trong bối cảnh ngân sách nhà nước và địa phương còn khó khăn, đồng thời cần những giải pháp cũng như cơ chế nào nhằm thu hút tối đa nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào giao thông nông thôn trong thời gian tới?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Bộ Giao thông Vận tải đã đề ra một số giải pháp để huy động vốn cho phát triển giao thông nông thôn trong thời gian tới, đó là các tỉnh, thành phố cần rà soát, tổng hợp lập kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020, mục tiêu là hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng giao thông nông thôn; trong đó xác định cụ thể khối lượng, tiến độ, nhu cầu vốn cho từng năm.

Bên cạnh đó, cần cân đối phân bổ vốn dành cho giao thông nông thôn và triển khai các biện pháp thu hút vốn dành cho giao thông nông thôn như vận động đóng góp của nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, vốn ODA,… đồng thời thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn.

Nghiên cứu áp dụng các hình thức PPP đối với đường giao thông nông thôn; trong đó áp dụng hình thức BT theo hướng doanh nghiệp bỏ kinh phí xây dựng đường, chính quyền trả nhà đầu tư bằng đất, cho khai thác vật liệu xây dựng hoặc các hình thức khác

Áp dụng hình thức BOT trong xây dựng đường huyện, đường có lưu lượng lớn và các công trình bến phà, cầu phao, bến xe và các hạng mục khác có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

Một giải pháp nữa, đó là triển khai các giải pháp về xây dựng đường, kết hợp giải phóng mặt bằng để tạo Quỹ đất thương mại dịch vụ giao thông vận tải để chuyển nhượng, cho thuê qua đó tạo thêm vốn cho phát triển đường giao thông nông thôn.

Một con đường mới được cứng hóa tại xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Trần Trung/BNEWS

Phóng viên: Trên thực tế nhiều công trình sau khi đưa vào sử dụng thì chất lượng vẫn chưa đảm bảo. Bộ Giao thông Vận tải đã có biện pháp nào để khắc phục tình trạng này?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Hiện nay, hầu hết các dự án giao thông nông thôn được phân cấp cho địa phương làm chủ đầu tư, do đó địa phương phải chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng công trình.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải với chức năng và nhiệm vụ của mình đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng và tiến hành những biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát chất lượng công trình.

Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các chủ thể tham gia các dự án tiến hành khảo sát kỹ trước khi hoạch định chính sách hay tiêu chí mục tiêu dự án, cần quan tâm đến cơ chế, đặc thù an sinh xã hội hay điều kiện địa lý từng vùng miền.

Các địa phương cần phát huy năng lực của hệ thống chức năng, nhất là đối với công tác lựa chọn nhà thầu; tránh tình trạng sử dụng các nhà thầu nhỏ, không đủ trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho dù có thể tận dụng được nguồn lực xã hội; cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình, thường xuyên kiểm tra hiện trường, xử lý ngay những vấn đề có liên quan đến chất lượng của công trình.

Một trong những giải pháp quan trọng nữa, đó là phát huy sự kiểm tra, giám sát của xã hội, đặc biệt là người dân; duy trì và phát huy sự kiểm tra, giám sát của nhân dân để xử lý kịp thời các vi phạm về tiến độ, chất lượng, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải với các tỉnh thành, truyền thông trong việc kiểm tra, tuyên truyền, giám sát tiến độ, chất lượng các công trình giao thông.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục siết chặt kỷ cương đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, qua đó tạo niềm tin trong dư luận vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Phóng viên: Xin cám ơn ông./.

Trần Trung (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục