Ghi ở Vùng 5 Hải quân - Bài 1: Chuyện những người lập nghiệp trên đảo Thổ Chu

10:12' - 15/02/2016
BNEWS Đây là những câu chuyện về những con người đã và đang làm nên những huyền thoại lịch sử cho vùng biển đẹp giàu của Tổ quốc.

Trong chuyến công tác cuối năm cùng cán bộ chiến sỹ Vùng 5 Hải quân, đơn vị nòng cốt bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc, chúng tôi đã nghe những câu chuyện, gặp những nhân chứng, con người đã và đang làm nên những huyền thoại lịch sử cho vùng biển đẹp giàu của Tổ quốc.

Bài 1: Chuyện những người lập nghiệp trên đảo Thổ Chu

Quần đảo Thổ Chu nằm ở phía Tây Nam đảo Phú Quốc và được xem là cực Tây Nam của Việt Nam, thuộc xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nằm cách Rạch Giá 198 km, Thổ Chu là đảo lớn nhất trong quần đảo này.

Nhiều con người đã lập nghiệp thành công trên đảo Thổ Chu. Ảnh: TTXVN.

Trong cái nắng chói chang, cùng những đợt gió mang theo hương vị biển cả, tôi tìm đến những người đầu tiên lên đảo lập nghiệp năm 1992, sau vụ Khơ me đỏ thảm sát 515 cư dân đảo vào khoảng 12 ngày sau khi thống nhất đất nước. Những ngư dân bình dị và hồn hậu là thế, đã dũng cảm cùng lực lượng quân đội Việt Nam bám biển, giữ đảo, giữ vững bình yên trên vùng biển Tây Nam.

* Quyết bám đảo, giữ biển

Không khó để tìm được những người đầu tiên có mặt ở đảo khi những câu chuyện về họ đã trở thành huyền thoại của nơi này.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Huỳnh Bình Khởi (tên thường gọi là Tư Bình), năm nay 60 tuổi. Ông chính là người dẫn đầu những gia đình đầu tiên ra đảo Thổ Chu lập nghiệp.

Hướng đôi mắt đã nhuốm màu biển cả ra phía đại dương, ông nhớ lại: “Vào tháng 5 năm 1992, lúc đó tôi đang là Chủ tịch UBND xã An Sơn, huyện Nam Du, thì được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Kiên Giang đưa người dân ra đảo Thổ Chu sinh sống, bám đảo, giữ biển cùng bộ đội.

Đầu tiên, chúng tôi có quyết định hơn 10 hộ ra đảo nhưng chỉ có 7 hộ với 30 nhân khẩu ra đảo vì có người còn lo sợ khi nghĩ đến vụ Khơ me đỏ thảm sát; chỉ có gia đình tôi, Ba Diện, Thắng Hòa, Ba Trợn, Đinh Văn Giáp, Năm Chiến, Trần Văn Tơ quyết tâm tới đảo.

Thời gian đầu ở đảo khó khăn lắm, cái gì cũng không có, từ đường sá, gạo muối, thuốc men…, dân phải nhờ hết vào bộ đội mới duy trì được cuộc sống.

Ngoài ra, lúc mới ra đảo, Nhà nước cũng hỗ trợ các hộ dân gạo ăn trong 18 tháng đầu, hơn 35 triệu đồng/hộ tiền xây nhà và sinh kế cho dân. Sau khi ra đảo được một năm, người dân trên đảo đã thành lập bộ máy chính quyền rồi từ đó kinh tế đảo phát triển dần.”

Nhìn lại quãng thời gian sống trên đảo, ông Tư Bình phấn khởi cho biết: “So với cuộc sống trước đây, giờ dân đảo sướng hơn cả 15-20 chục lần rồi. Ngày trước cơm không đủ no, manh áo ấm không có”.

Theo ông Tư Bình, hồi mới ra, trên đảo không có việc giao thương buôn bán. Người dân sinh sống bằng hải sản đánh bắt trên biển, rau dại mọc trong rừng.

Việc mua bán, trao đổi đồ từ đất liền chỉ nhờ vào ông Tư Cao, người tháng nào cũng có ghe đánh lưới từ Phú Quốc ra.

Từ năm 2010 đến nay, đảo Thổ Chu trở thành nơi neo đậu, thu mua hải sản của tàu thuyền đi biển về. Việc đi lại giữa đất liền và Thổ Chu cũng thuận lợi hơn, trước đây tàu khách ra vào đảo phải từ 2,3 tháng/chuyến, nhưng nay cứ 5 ngày có một chuyến từ đảo vào đất liền và ngược lại.

“Đảo phát triển như vậy, tôi thật không ngờ tới, mà được vậy là chúng tôi mừng lắm rồi cô ơi!”, người ngư dân già nhìn tôi với ánh mắt lấp đầy niềm vui khi kể về những đổi thay trên đảo.

Đến nay, đảo Thổ Chu đã trở thành nơi neo đậu, thu mua hải sản của tàu thuyền đi biển về. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Gia đình ông Tư Bình cũng như nhiều gia đình khác trên đảo, ngoài nghề đi biển còn phát triển thêm nghề nuôi cá bớp ngoài biển với 7 chiếc bè, mỗi năm xuất bán hàng chục tấn cá.

Giờ đây, khi đã trở thành bậc tiền bối trong nghề đi biển, điều trăn trở duy nhất của người anh hùng đảo Thổ Chu chính là làm sao có giải pháp ổn định sinh kế của người dân đảo khi hiện nay cuộc sống của họ hầu hết đều phụ thuộc vào số lượng ghe thuyền ghé đảo.

Trong khi đó, những người nuôi cá bớp trên đảo lại loay hoay với đầu ra khi liên tục bị thương lái ép giá bán.

* Có chết cũng gửi thân nơi đảo

“Bao nhiêu cán bộ, chiến sỹ của mình đã ra giữ đảo rồi, sao mình không thể vì Tổ quốc mình chứ?”, ông Trần Văn Tơ (ông Tư kiềm bấm), người ra đảo cùng đợt ông Tư Bình thủng thẳng trả lời câu hỏi vì sao quyết định đưa cả nhà ra đảo trong khi vợ đang mang thai 7 tháng.

Người đàn ông nay đã hơn 60 tuổi nhưng vẫn toát lên vẻ vững chãi của cây cột chống nhà, ông Tư kiềm bấm tâm sự: “Mình là đàn ông mà, phải chắc dạ. Đất nước này mình phải giữ. Bà con mình cũng từng nói rồi “ vượt nắng thắng mưa”.

Hơn nữa, cả ngàn chiến sỹ đã ở đây rồi, ai cũng có người thân, có tính mạng, họ ra chiến đấu ở chiến trường thì mình phải cùng họ giữ gìn đảo tiền tiêu của tổ quốc chứ.”

Rồi ông nhớ lại những khó khăn của ngày đầu lên đảo, ông cùng bà lúc đó đang mang bầu cô con gái út cùng 6 người con dắt díu, cái ăn không đủ, đảo vằng hoang vu, đêm đến chỉ có mỗi ngọn đèn dầu leo lét.

Giờ đây, đảo Thổ Chu phát triển hơn trước nhiều, ghe tàu cập đảo tấp nập, trường học khang trang, có trạm y tế, chợ, đường sá sạch đẹp... Các con của ông Tư kiềm bấm, người thì ở lại đảo làm nghề biển, người quay trở lại đất liền sinh sống.

Riêng với ông Tư, coi đảo như người thân của mình, ông tự hứa sẽ suốt đời gắn bó, không rời đảo mãi mãi./.

Bài 2: Hòn Khoai-Những người yêu rừng ở biển

Bài 3- Người thầy áo xanh trên đảo Hòn Chuối

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục