Giảm phụ thuộc vào dược liệu nhập khẩu: Bài toán khó cho ngành y tế

06:57' - 15/04/2017
BNEWS So với nhu cầu dược liệu trong nước khoảng gần 60.000 tấn/năm, Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được khoảng 20% nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước, còn lại 80% vẫn phải nhập khẩu.
Một vườn ươm trà hoa vàng ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Thị Thảo - TTXVN

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng rất lớn về cây dược liệu, nhưng việc phát triển đối với loại cây này lại đang gặp không ít khó khăn, trở ngại.

* Chỉ có 20% nguyên liệu phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước

Theo thống kê, ở nước ta trong tổng số hơn 12 nghìn loài thực vật có đến gần 4 nghìn loài có công dụng làm thuốc được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: Sâm ngọc linh, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai, thanh thiên quỳ, ba gạc Vĩnh Phú…

Trên thực tế, ngoài việc có tiềm năng lớn về cây dược liệu, Việt Nam còn có kho tàng tri thức khổng lồ trong sử dụng cây, con làm thuốc trong nhân dân. Trong khi đó, hiện nay xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và sàng lọc các sản phẩm đó để tìm ra các hoạt chất sinh học mới, ít độc tính hơn, với chi phí cho nghiên cứu phát triển thấp hơn… đang ngày càng được ưu tiên đã mở ra cơ hội rất lớn đối với phát triển dược liệu ở nước ta.

Những năm qua, ngành dược đã phần nào đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh của nhân dân. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dược liệu Việt Nam so với nhu cầu dược liệu trong nước khoảng gần 60.000 tấn/năm, Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được khoảng 20% nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước, còn lại 80% vẫn phải nhập khẩu từ các quốc gia/vùng lãnh thổ khác như Trung Quốc, Singapore…

Đây hiện đang là thách thức rất lớn đối với ngành dược, đòi hỏi phải có các giải pháp thích hợp và hiệu quả nhằm khơi dậy tiềm năng trong lĩnh vực mà nước ta được đánh giá có nhiều cơ hội và lợi thế.

Về nguyên nhân của tình trạng này, theo các chuyên gia là do tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động.

Như ở các tỉnh Tây Nguyên, theo đánh giá của ngành y tế, tại đây mặc dù các địa phương trong vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho nhiều loại cây dược liệu phát triển, nhưng hiện nay việc nuôi trồng dược liệu còn manh mún, tự phát. Bên cạnh đó, công tác quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều loại dược liệu quý bị khai thác cạn kiệt, có nguy cơ tuyệt chủng.

Tình trạng khai thác dược liệu quá mức mà không đi đôi với việc tái tạo, bảo tồn dược liệu ở nước ta đã dẫn đến số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít (trên cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên), nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Bên cạnh đó, dược liệu không được sản xuất theo quy trình, quy hoạch cụ thể (trồng lẫn với vùng trồng lúa và hoa màu, kỹ thuật trồng và chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm, việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, nguồn nước tưới… còn tùy tiện, thu hái dược liệu không tuân thủ theo mùa vụ và tuổi của cây) làm ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu, qua đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng thuốc sản xuất từ dược liệu. Chưa áp dụng đúng mức thành tựu của khoa học, công nghệ vào việc hiện đại hóa sản xuất thuốc từ dược liệu.

Ngoài ra, sản xuất dược liệu trong nước thì còn thiếu quy hoạch, không đạt tiêu chuẩn Hệ quản lý chất lượng GACP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hiện nước ta chỉ có 18 trong số 300 cây dược liệu được cấp chứng chỉ GACP. Công tác quản lý về chất lượng dược liệu còn bất cập, đe dọa an toàn đối với người sử dụng, nhất là có sự lẫn lộn về dược liệu bảo đảm chất lượng và không bảo đảm chất lượng; không truy xét được nguồn gốc xuất xứ; thiếu hệ thống dữ liệu về dược liệu cấp toàn quốc; thiếu kinh nghiệm điều hành, quản lý sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dược liệu trong nước và xuất khẩu.

* Xây dựng thương hiệu cho dược liệu

Để tập trung phát triển ngành dược, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã tập trung chú trọng phát huy thế mạnh, tiềm năng phát triển sản xuất thuốc dược liệu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam. Ảnh:Thống Nhất-TTXVN

Chiến lược đề ra mục tiêu, đến năm 2020 phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%.

Về việc quy hoạch sản xuất dược liệu, tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Hiệp hội Dược liệu Việt Nam cuối tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra rằng, việc cần làm là tìm biện pháp tổ chức sản xuất gắn với chế biến, thay vì chỉ chế biến thô có hiệu quả thấp; tổ chức đầu ra, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thủ tướng cũng thống nhất quan điểm động lực của phát triển dược liệu là từ nhu cầu của thị trường và lấy kinh tế tư nhân, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, hộ cá thể làm động lực phát triển. Bên cạnh đó, cần tổ chức một số trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu ở một số vùng, miền để sản xuất có quy mô lớn.

Nhấn mạnh việc phải coi trọng chất lượng, thương hiệu dược liệu Việt Nam, Thủ tướng cho rằng cần quản lý tốt hơn việc sản xuất dược liệu; ngăn chặn có hiệu quả nạn nhập lậu, buôn lậu hàng dược liệu giả vào trong nước, phá hoại thị trường trong nước; có biện pháp tăng cường quản lý chất lượng dược liệu phù hợp với bộ tiêu chuẩn dược liệu và các biện pháp quan trọng khác, trong đó có biện pháp gắn với chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ dược liệu.

Thủ tướng cũng cho rằng, cần gắn sản xuất dược liệu với y học cổ truyền, những bài thuốc của các thầy thuốc Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Sự kết hợp này phải từ trường học, các ngành, các cấp và đặc biệt trong ngành y tế.

Đối với vấn đề thể chế chính sách phát triển cây dược liệu, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ nghiên cứu đưa ra dự thảo các thể chế, chính sách, định hướng phát triển cây dược liệu. Bộ Y tế cũng cần lắng nghe ý kiến của Hiệp hội Dược liệu Việt Nam để nắm được thực trạng phát triển ngành dược liệu Việt Nam cùng những vấn đề đặt ra… ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục