Giỗ Tổ Hùng Vương: Từ trung tâm Nghĩa Lĩnh đến khắp miền đất nước

11:09' - 05/04/2017
BNEWS Từ trung tâm thờ tự Hùng Vương đầu tiên trên núi Nghĩa Lĩnh, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng dần dần lan tỏa tới khắp các tỉnh thành của Việt Nam.
Lễ rước kiệu Đền Hùng 2017. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có gần 1.500 di tích thờ vua Hùng, vợ con và các tướng lĩnh của các Vua Hùng. Con số này không ngừng phát triển và vẫn đang tiếp tục tăng.

Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội đền Hùng vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm hiện nay đã trở thành ngày hội của đồng bào từ Bắc chí Nam. Cùng với Phú Thọ, nhiều địa phương trên cả nước tổ chức trang trọng lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, thể hiện sự tri ân, báo hiếu với tổ tiên đã có công dựng nước.

Thành phố Hồ Chí Minh

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức ở nhiều nơi như: Công viên Văn hoá Đầm Sen, Khu Du lịch Suối Tiên, Công viên Tao Đàn… với sự tham gia đông đảo của nhân dân thành phố cũng như khách du lịch. 

Tất cả đều hướng về nguồn cội, tổ tiên với những tấm lòng hiếu kính, đồng thời nêu cao lòng tự hào dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. 

Lâm Đồng

Được cư dân miền Bắc nhập cư xây dựng, đền thờ Vua Hùng tại khu tưởng niệm các Vua Hùng của khu du lịch thác Pren thuộc công ty Du lịch dịch vụ Lâm Đồng là địa chỉ quen thuộc của nhân dân và khách du lịch mỗi dịp Quốc giỗ.

Đây là hệ thống công trình được xây dựng tại núi Phượng Hoàng thuộc quần thể thắng cảnh Quốc gia thác Pren mô phỏng đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) với 3 hạng mục chính là đền Thượng, đền Trung, đền Hạ cùng với nhiều hạng mục khác như công viên Hùng Vương, tượng Lạc Long Quân, Âu Cơ. Đền đã được xây dựng từ năm 1958, đến năm 1989 đã tu sửa lại và rước chân nhang từ Đền Hùng Phú Thọ. 

Từ đó đến nay hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nghi lễ dâng hương trọng thể. Chương trình hội được tổ chức với nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ truyền thống, các trò chơi dân gian của các dân tộc anh em đang sống tại các địa phương trong tỉnh.

Kiên Giang

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tỉnh Kiên Giang tổ chức trọng thể tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp.

Buổi lễ với nghi thức truyền thống trống hội, cung kính dâng hương, phẩm vật, đọc văn tế tưởng niệm, tạ ơn Quốc tổ Hùng Vương. Các chương trình múa lân – sư – rồng, biểu diễn nghệ thuật ngợi ca, tri ân công đức các vị Vua Hùng và những bậc tiền nhân trong lịch sử dựng nước, giữ nước hơn 4000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. 

Cùng với đó, nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cũng được tổ chức như các trò chơi dân gian như đập heo đất, nhảy bao tiếp sức, đua xuồng, đi cầu treo trên sông, thả và bắt vịt; hội thi gói bánh chưng; thể dục dưỡng sinh; thi cờ tướng; giao lưu đờn ca tài tử; triển lãm ảnh nghệ thuật về những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và biển – đảo quê hương; đưa hàng Việt chất lượng cao về nông thôn…

Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương, ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang xây dựng vào năm 1957 theo kiến trúc đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ gồm: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng.

Cần Thơ

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm thường được tổ chức hoành tráng tại Bảo tàng Cần Thơ và sân khấu lớn vòng xoay trước công viên nước. 

Trước đó, tại hai ngôi đình thuộc loại lớn nhất và cổ nhất (Bình Thủy - Quận Bình Thủy và Thới An - Quận Ô Môn) cũng diễn ra lễ tưởng niệm các vua Hùng với các nghi thức thành kính, tôn nghiêm.

Hội thi "Gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy dâng lên Vua Hùng" được tổ chức hàng năm vào dịp Giỗ Tổ Hùng VươngẢnh: Trung Kiên – TTXVN.

Cà Mau

Từ nhiều năm nay, nhân dân tỉnh Cà Mau mỗi dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch thường cùng nhau hướng về Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng được tổ chức tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình. 

Đây không chỉ là hoạt động tâm linh cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui mà còn là hoạt động mang ý nghĩa nhắc nhở, củng cố tinh thần đại đoàn kết toàn dân.

Năm 2006, Đền thờ Vua Hùng tại Cà Mau được đầu tư xây dựng kiên cố, bao gồm hệ thống sân đền, cổng và hướng ra Quốc lộ 63 với tổng chi phí đầu tư trên 3 tỷ đồng. Đến tháng 4/2011, đền thờ Vua Hùng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Phú Yên

Được duy trì hơn 20 năm qua, thầy và trò trường THCS Hùng Vương (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) luôn hướng về Quốc tổ Hùng Vương với các nghi thức thành kính và chương trình văn nghệ cộng đồng phong phú, đặc sắc, bao gồm những bài ca, điệu múa tái hiện huyền sử Trăm Trứng Trăm con, Lang Liêu, Mai An Tiêm, Sơn Tinh Thủy Tinh; đời sống sinh hoạt của Nhà nước Văn Lang xưa do chính các em học sinh biểu diễn. 

Đây là dịp để giáo dục các em về tinh thần yêu nước, lòng biết ơn công lao của các vị vua Hùng dựng nước, truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc. 

Nghệ An

Nét khác biệt ở lễ hội Đền Hùng tại Nghệ An là đội tế bắt buộc phải là nam giới. Bởi vậy, trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở Nghệ An có sự tham gia của những cựu chiến binh cao tuổi nhưng vẫn thực hiện các động tác rất thuần thục, bài bản và chuyên nghiệp. 

Bên cạnh phần lễ, phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại như: trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền, chơi cờ thẻ, thi võ cổ truyền thu hút đông đảo người dân tới xem và cổ vũ.

Đông đảo học sinh đến tham quan và tìm mua sách tại Hội Sách đất Tổ 2017. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN

Khánh Hòa

Còn tại tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo và đông đảo người dân hàng năm đều thành kính dâng hương, dâng hoa lên Quốc tổ tại đền Hùng Vương, ở phường Tân Lập, thành phố Nha Trang vào mỗi dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch.

Đền Hùng Vương ở thành phố Nha Trang được người dân địa phương tạo lập từ 50 năm nay để tưởng nhớ, tri ân Quốc tổ. Đây là ngôi đền thờ Vua Hùng duy nhất tại miền Trung.

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng - Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng ở Phú Thọ là một phong tục đẹp, một nét văn hóa độc đáo, có một không hai của người Việt, sẽ mãi mãi được trao truyền qua các thế hệ người dân bản địa, đồng bào cả nước và được bảo tồn, phát huy giá trị xứng tầm di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

>>> Những nét độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

>>> Đa dạng tour du lịch về nguồn vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

>>> Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2017 có hoạt động nào đặc sắc?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục