Giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội mang lại từ CPTPP

18:10' - 11/05/2018
BNEWS Hiện nay, tỉnh An Giang có trên 8.000 doanh nghiệp, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỉnh An Giang sẽ có trên 10.000 doanh nghiệp.

Ngày 11/5, tại An Giang, UBND tỉnh An Giang phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và tổ chức USAID tổ chức hội thảo với chủ đề: Làm thế nào để cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp An Giang nắm bắt cơ hội mang lại từ CPTPP.

Hội thảo nhằm hỗ trợ cung cấp thông tin về phương pháp cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả và những thông tin quan trọng về cơ hội, thách thức liên quan đến Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mới của Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng phát biểu. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh An Giang xác định sẽ quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển. Hiện nay, tỉnh An Giang có trên 8.000 doanh nghiệp, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỉnh An Giang sẽ có trên 10.000 doanh nghiệp.

Để cải thiện môi trường kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, tỉnh An Giang cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là những thủ tục hậu đăng ký vẫn còn là một khó khăn lớn cho doanh nghiệp.

Do đó, cần có phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan trong thanh, kiểm tra; giảm thiểu các gánh nặng tuân thủ; chú trọng hơn nữa đến chất lượng trang Web của tỉnh; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp và nâng cao chất lượng quản lý cho doanh nghiệp.

Tại hội thảo, bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA-Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI cho biết, các nước tham gia CPTPP sẽ cắt giảm thuế quan theo lộ trình, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hợp tác đầu tư và tự do di chuyển vốn đầu tư, hợp tác lao động và tự do di chuyển lao động, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…

CPTPP sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp về cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, cơ hội phát triển cung ứng dịch vụ ra nước ngoài, cơ hội hợp tác đầu tư và học hỏi kinh nghiệm quản lý, tiếp thu công nghệ hiện đại. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường thế giới thì phải đáp ứng yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy chuẩn kỹ thuật...

Năng lực cạnh tranh của tỉnh An giang ngày càng cải thiện và tăng hạng đáng kể. Cụ thể năm 2017, An Giang đạt 6,16 điểm (tăng 4,37 điểm), xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2016. So với 13 tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, PCI của tỉnh An Giang đứng thứ 7/13, trên các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và Cà Mau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục