Gỡ nút thắt cho ngư dân vay vốn hiện đại tàu cá

17:07' - 28/09/2016
BNEWS Khó khăn đầu tiên dẫn đến việc triển khai chưa đồng bộ là do nhận thức không thống nhất từ phía ngân hàng, ngư dân, cơ sở đóng tàu về trình tự, thủ tục, yêu cầu điều kiện đối với Nghị định.

Mặc dù được đánh giá là đã hệ thống được các chính sách cơ bản nhất khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép, công suất lớn dần chuyển sang khai thác xa bờ song Nghị định 67/2014/NĐ-CP chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Chính vì vậy mà Nghị định 89/2015/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 67/2014/NĐ-CP) với nhiều điểm mới ra đời được ví như phao cứu sinh gỡ những nút thắt giúp ngư dân vay vốn hiện đại tàu cá.

Vấn đề là việc tiếp tục triển khai chính sách này như thế nào cho hiệu quả, giúp ngư dân nâng cấp, đóng mới tàu to, máy lớn vươn khơi xa, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đang là trăn trở của không ít địa phương cũng như bà con.

Xung quanh vấn đề này, BNEWS đã phỏng vấn ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

BNEWS: Bên cạnh những kết quả tích cực thì việc triển khai thực hiện vẫn còn chưa đồng đều ở các địa phương. Theo ông, đâu là khó khăn bất cập trong việc thực hiện?
Ông Lại Xuân Môn: Khó khăn đầu tiên dẫn đến việc triển khai chưa đồng bộ là do nhận thức không thống nhất từ phía ngân hàng, ngư dân, cơ sở đóng tàu về trình tự, thủ tục, yêu cầu điều kiện đối với Nghị định.

Chẳng hạn như tại Quảng Ngãi, Ngân hàng từ chối cho 6 chủ tàu vay vì cho rằng chủ tàu không có phương án vay vốn khả thi, ngư dân không đủ khả năng trả nợ hoặc không có kinh nghiệm khai thác xa bờ…

Xuất phát từ những điều kiện vay vốn của các ngân hàng thương mại không đồng nhất đã gây không ít bức xúc cho chủ tàu thời gian qua.

Tuy nhiên, số ngư dân đạt được các điều kiện này không nhiều và tại từng địa phương lại có những sự khác biệt.

Cũng chính từ những bất cập này mà đến nay mới có khoảng 73 cơ sở đóng tàu được cấp phép bởi hầu hết đều không đáp ứng đủ yêu cầu.

BNEWS: Theo Thông tư số 22/2014/TT-NHNN (nay là Thông tư 21/2015/TT-NHNN), các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối có trách nhiệm bố trí nguồn vốn và tích cực triển khai việc cho vay đối với chủ tàu theo quy định tại Nghị định số 67. Tuy nhiên, có thể thấy việc ngư dân tiếp cận các nguồn vốn không hề dễ dàng. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đâu?
Ông Lại Xuân Môn: Phải thừa nhận rằng, do chưa thống nhất về cách đánh giá phương án vay vốn, giá trị dự án và các chủ tàu chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của ngân hàng dẫn dến nhiều vướng mắc trong việc thỏa thuận hợp đồng vay vốn.

Một lý do nữa dẫn đến khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn là giá trị tài sản của ngư dân. Bởi, chiếc tàu lâu nay được ví như cái cần câu cơm và cũng là tài sản thế chấp để vay vốn.

Dù vậy, khi làm thủ tục thẩm định thì các ngân hàng lại từ chối cho vay do không tường tận về các yếu tố kỹ thuật mặc dù đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Hơn nữa, để đóng mới một chiếc tàu công suất lớn sẽ tốn kém khoảng 10-15 tỷ đồng nên ngư dân sẽ phải vay ít nhất là 7-8 tỷ.

Tuy nhiên, đứng về phía ngân hàng, họ lại lo ngại về vấn đề thu hồi vốn mà khó khăn đối với ngư dân lại là đảm bảo vốn đối ứng.

Ngoài ra, do trình độ hạn chế mà khả năng hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu giải ngân và thanh quyết toán kinh phí lại yêu cầu khắt khe. Chính vì vậy, khả năng tiếp cận nguồn vốn của các ngư dân lại càng trở nên xa vời.
Phóng viên: Sau hơn 2 năm thực hiện, ngư dân vẫn cho rằng các quy định về điều kiện của các cơ sở đóng tàu rất ngặt nghèo, rất ít cơ sở đóng tàu đáp ứng được đủ các yêu cầu. Ông đánh giá thế nào về những ý kiến này?
Ông Lại Xuân Môn: Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các tổ chức, cá nhân đóng mới, nâng cấp tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi để việc triển khai Nghị định 67 được thuận lợi. Tuy nhiên quy định về điều kiện của các cơ sở đóng tàu rất khó đáp ứng.

Cái khó hiện nay là các thủ tục kiểm tra, đăng kiểm quá rườm rà, mất nhiều thời gian. Đơn cử như để có thể đóng mới một chiếc tàu cá theo Nghị định 67, đòi hỏi phải có hồ sơ thiết kế được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sau đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Hơn nữa, sau vài tháng được phê duyệt thì lại phải đáp ứng yêu cầu cơ sở về tài chính.

Có lẽ từ những khó khăn nội tại mà theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, cả nước sẽ có 2.079 tàu khai thác đánh bắt xa bờ và 205 tàu dịch vụ hậu cần được đóng mới bổ sung nhưng đến nay mới có khoảng 73 cơ sở có đủ điều kiện đóng tàu. Với cơ sở hạ tầng đóng tàu như vậy sẽ rất khó đáp ứng nhu cầu đóng mới của ngư dân.

BNEWS: Việc giải ngân các khoản cho vay theo Thông tư số 22/2014/TT-NHNN và nay là Thông tư 21/2015/TT-NHNN được thực hiện đến hết ngày 31/12/2016, như vậy thời gian không còn nhiều. Theo ông, từ nay cho đến mốc thời gian này cần có sự hỗ trợ nào để đẩy nhanh tiến độ giải ngân?

Ông Lại Xuân Môn: Thông tư số 22/2014/TT-NHNN quy định việc cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

Nghị định 67 là một chương trình xuyên suốt, không phải là chính sách nhất thời. Điểm mốc hết ngày 31/12/2016 là thời gian để Chính phủ tổng kết, rút kinh nghiệm để triển khai cho giai đoạn tiếp theo tốt hơn.

Vì vậy, việc triển khai sẽ liên tục, không bị gián đoạn. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 4084/NHNN-TD ngày 3/6/2016 gửi các ngân hàng thương mại về vấn đề này. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cần có sự nỗ lực đồng bộ từ tất cả các bên tham gia.

Nhằm gỡ khó cho ngư dân bám biển, tới đây Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương có ngư dân và các Bộ, ngành liên quan để giám sát quá trình thực hiện Nghị định 67, trên cơ sở đó sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng để ngư dân được dễ dàng hưởng lợi.

Theo đó, Chính phủ cần phát triển hạ tầng cảng cá hiện đại, tạo điều kiện giúp các cơ sở đóng tàu dễ tiếp cận với chính sách ưu đãi về thuế, chính sách tín dụng.

Bên cạnh đó, đề nghị các ngân hàng thương mại đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nhất là đối với những chủ tàu khó khăn về vốn đối ứng khi có phương án sản xuất khả thi.

goài ra, cho phép ngư dân trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.

Có nghĩa là những năm được mùa, ngư dân trả nhiều hơn, năm mất mùa không phải trả mà không bị phạt.

Đặc biệt, các đơn vị chức năng cần c ó chính sách đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng đánh bắt xa bờ, kỹ năng sử dụng tàu máy công suất lớn và các thiết bị hiện đại cho ngư dân.

Cuối cùng là các chính sách hỗ trợ ngư dân liên kết sản xuất, thành lập các tổ, nhóm bám biển xa bờ thông qua việc xây dựng các mô hình mẫu liên kết khai thác hải sản theo chuỗi giá trị, hình thành chuỗi sản xuất khai thác - dịch vụ - chế biến và tiêu thụ.

BNEWS: Kiến thức, kinh nghiệm về vận hành, sử dụng, khai thác tàu sắt của ngư dân còn hạn chế. Vậy trong thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ có những giải pháp nào nhằm hỗ trợ bà con ngư dân, thưa ông?

Ông Lại Xuân Môn: Với những tàu công suất lớn thì việc ra khơi sẽ bảo đảm an toàn hơn, hiệu quả hơn, nhưng đòi hỏi trình độ của ngư dân phải nâng lên.

Ngoài ra, các loại tàu này thường có khả năng hoạt động trên biển từ 30 – 50 ngày với sức chứa 14 thuyền viên cùng trang bị các thiết bị hàng hải hiện đại, có khả năng nhận dạng định vị, phối hợp với các trạm duyên hải…

Dù vậy, nhưng hiện nay các địa phương vẫn chưa có lớp đào tạo, tập huấn cho các chủ tàu một cách bài bản khiến hiệu quả của chương trình bị ảnh hưởng.

Đáng lưu ý là phần lớn ngư dân Việt Nam chỉ quen khai thác gần bờ, số còn lại đánh bắt xa bờ nhưng phương tiện không đảm bảo, dễ bị rủi ro, chủ yếu khai thác đơn lẻ, thiếu chuyên nghiệp.

Thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và các bộ ngành liên quan mở các lớp đào tạo, tập huấn bài bản cho ngư dân về kỹ năng vận hành tàu cá công suất lớn, nâng cao kỹ năng xây dựng, quản lý và thực hiện kế hoạch sản xuất, kỹ năng sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong hoạt động thủy sản.

Cùng với đó, Hội cũng sẽ tập trung hướng dẫn ngư dân cách xây dựng mô hình liên kết thành các tổ, đội sản xuất, khai thác biển theo nhóm thông qua việc xây dựng một mô hình mẫu theo hướng tổ chức sắp xếp lại mô hình tổ, đội để khai thác biển hiệu quả hơn.

BNEWS: Xin cảm on ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục