Khai thác xa bờ, chìa khóa để nâng hiệu quả và sản lượng

14:29' - 19/09/2016
BNEWS Quảng Ngãi chú trọng phát triển khai thác thủy hải sản và tạo ra sự chuyển dịch lớn bằng việc giảm khai thác gần bờ, tăng khai thác xa bờ để nâng cao hiệu quả đánh bắt và sản lượng.
Khai thác xa bờ, chìa khóa để nâng hiệu quả và sản lượng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Khai thác thủy sản được xác định là thế mạnh kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi nên những năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư về lĩnh vực này, tạo ra sự chuyển dịch lớn bằng việc giảm khai thác gần bờ, tăng khai thác xa bờ để nâng cao hiệu quả đánh bắt và sản lượng.

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 3 năm (2013- 2016) thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, việc đầu tư đóng mới tàu cá được ngư dân đặc biệt quan tâm; việc cải hoán, nâng công suất tàu cũng được triển khai đồng bộ.

Cụ thể, năm 2016 số lượng tàu cá có công suất dưới 90CV giảm gần 700 chiếc so với năm 2013; tàu cá có công suất từ 400CV trở lên lại tăng đáng kể. Nhờ vậy, sản lượng thủy sản khai thác ước đến cuối năm nay sẽ đạt mức 170.400 tấn, tăng bình quân 3,9%/năm.

Đến thời điểm hiện tại, một số ngân hàng trong tỉnh đã giải ngân vốn cho ngư dân vay đóng mới được 9 tàu cá vỏ thép; trong đó, có 3 tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi cũng luôn kề vai, sát cánh để động viên tinh thần, tiếp thêm động lực cho ngư dân bám biển.

Ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi cho hay, tổng cộng số tiền mà qũy hỗ trợ cho đến nay là trên 50 tỷ đồng, 90 tỷ đồng còn lại sẽ được giải ngân từ nay đến cuối năm để giúp cho bà con có kinh phí, điều kiện đóng tàu. Qũy cũng tính huy động thêm khoảng 20 tỷ đồng nữa để hỗ trợ cho những trường hợp gặp rủi ro trên biển.

Ngư dân Đặng Dũng, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn vui mừng nói: “Nhờ có vốn vay từ qũy hỗ trợ mà gia đình có điều kiện đóng tàu cá lớn, làm ăn hiệu quả và cảm thấy vững tâm hơn khi hành nghề".

Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cũng đã hỗ trợ ngư dân sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại như máy dò ngang, máy ra đa, máy lọc nước biển thành nước ngọt; khuyến khích ngư dân phát triển các nghề mới như lưới chụp, lưới rê bùng nhùng (rê xù), nghề câu cá ngừ đại dương, lồng bẫy; áp dụng công nghệ sản xuất đá vảy, nước đá sệt từ nước biển, công nghệ bọc cách nhiệt hầm bảo quản vật liệu PU… để bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác, tận dụng tối đa tiềm năng mà địa phương có được.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thành lập được 8 hợp tác xã dịch vụ khai thác hải sản xa bờ, củng cố và phát triển 306 tổ đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển dựa trên nguyên tắc “ba cùng” (cùng địa phương, cùng nghề khai thác, cùng ngư trường khai thác) để tạo cầu nối, chỗ dựa vững chắc hướng đến phát huy tinh thần tương thân tương ái, cứu giúp lẫn nhau giữa các bạn tàu.

Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngành khai thác thủy sản đã, đang và sẽ là ngành kinh tế chủ chốt tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho cư dân vùng bãi ngang ven biển.

Vài năm gần đây, ngành nông nghiệp liên tục phát triển mạnh nhờ Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho ngư dân. “Việc đầu tư vào lĩnh vực này đang được tỉnh chú trọng. Nhưng trong quá trình thực thi không thể không gặp khó khăn, đặc biệt là yếu tố con người và nguồn vốn”- ông Hoàng nhấn mạnh.

Quảng Ngãi sẽ tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên cơ sở cơ cấu lại đội tàu thuyền, ngành nghề phù hợp với các vùng biển. Ảnh: Lê Lâm/TTXVN

Tỉnh Quảng Ngãi hiện đã ban hành dự thảo Đề án đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo và tầm nhìn 2016-2020; trong đó, nêu rõ định hướng phát triển kinh tế thủy sản toàn diện, đồng bộ, bền vững.

Để làm được điều này, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; vận động, hỗ trợ ngư dân cải hoán, đóng mới đội tàu cá có công suất lớn, hiện đại.

Tỉnh cũng sẽ tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên cơ sở cơ cấu lại đội tàu thuyền, ngành nghề phù hợp với các vùng biển, tuyến biển, với môi trường tự nhiên, nguồn lợi hải sản; thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Cùng với đó, nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và đảo Lý Sơn; nghiên cứu nuôi trồng và chế biến một số loại sinh, thực vật biển có giá trị cao.

Ngoài những mục tiêu trên, tỉnh cũng ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến thủy sản; gắn kết chặt chẽ các cơ sở chế biến với vùng sản xuất nguyên liệu và cơ sở dịch vụ hậu cần (các cảng cá, bến cá) và tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Khôi phục, phát triển các nghề chế biến thủy sản truyền thống, các đặc sản từ biển để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và phục vụ du lịch.

Tỉnh cũng hỗ trợ việc đăng ký, quảng bá thương hiệu sản phẩm thủy sản; quy hoạch đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển để phát triển các ngành nghề chế biến thủy sản như các cụm công nghiệp Sa Kỳ, Sa Huỳnh, Phổ Khánh, An Hải…trong đó, nghiên cứu quy hoạch đầu tư xây dựng khu vực Sa Kỳ để từng bước hình thành trung tâm nghề cá lớn nhất tỉnh…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục