Gỡ vướng cho vận tải sông pha biển

16:00' - 15/12/2015
BNEWS Tuyến vận tải sông pha biển Quảng Ninh-Kiên Giang tuy là bước đột phá lớn, kết nối vận tải sông-ven biển-đường bộ thông suốt Bắc-Trung-Nam nhưng trong quá trình hoạt động vẫn còn gặp những khó khăn.

Sự ra đời tuyến vận tải sông pha biển Quảng Ninh - Kiên Giang cách đây hơn một năm được xem là bước đột phá lớn, kết nối vận tải sông - ven biển - đường bộ thông suốt Bắc - Trung - Nam, giảm tải cho đường bộ.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động tuyến vận tải vẫn còn gặp những khó khăn. Cuộc trao đổi giữa Phóng viên BNEWS với ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy Nội Việt Nam sẽ làm rõ hơn vấn đề này.

Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa Hoàng Hồng Giang. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

BNEWS: Ông có thể chia sẻ kết quả đạt được của tuyến vận tải sông pha biển Quảng Ninh – Kiên Giang sau hơn một năm triển khai?

Ông Hoàng Hồng Giang: Qua hơn 1 năm kể từ khi công bố tuyến vận tải ven biển chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 7/2014 đến nay đã mang lại hiệu quả rất tích cực trong vận chuyển hàng hóa trên tuyến thủy nội địa, đặc biệt là các tuyến vận tải chặng ngắn.

Điều đó cho thấy tuyến vận tải ven biển đã thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, phù hợp với lợi thế là quốc gia có biển dài (39 cửa sông ven biển).

Tính đến 30/9/2015 các Cảng vụ đường thủy nội địa, Cảng vụ Hàng hải đã làm thủ tục cho 6.346 lượt phương tiện mang cấp VR-SB (sông pha biển) vào và rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển với gần 6,1 triệu tấn hàng hoá được vận chuyển (tương đương 200.000 xe tải loại 30 tấn).

Các mặt hàng chủ yếu được vận chuyển trên tuyến ven biển gồm than, xỉ than, đá, đất, sắt, phân bón, xi măng, quặng, dầu FO...

Về công tác tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ, tính đến 30/9/2015, Cục Đường thủy nội địa đã tổ chức 20 khoá học, cấp chứng chỉ cho 727 thuyền viên điều khiển phương tiện đi trên tuyến vận tải ven biển.

Các khóa đào tạo được mở thường xuyên liên tục, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp trên các vùng miền của đất nước. Một lợi ích khác cần nhìn nhận đó là, từ khi công bố tuyến vận tải ven biển chính thức đi vào hoạt động đã giảm tải nhiều cho đường bộ Bắc - Nam và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi khi triển khai tuyến vận tải này thì cũng gặp không ít khó khăn. Đó là, các thuyền viên tàu VR-SB chưa chú trọng học tập lấy chứng chỉ điều khiển phương tiện đi ven biển.

Các chủ tàu cũng chưa thực sự quan tâm, bố trí thuyền viên đáp ứng đủ các yêu cầu trong mỗi ca làm việc trên tàu theo định biên an toàn tối thiểu đối với thuyền viên trên phương tiện VR-SB hoạt động trên tuyến ven biển.

Các phương tiện VR-SB hiện chưa được quy định lắp các trang thiết bị dẫn đường, thiết bị an toàn hàng hải như (AIS) nên khó khăn cho công tác giám sát hành trình phương tiện, công tác tìm kiếm cứu nạn khi phương tiện gặp nạn trên tuyến ven biển.

Bên cạnh đó, hoạt động của các tàu VR-SB trên tuyến ven biển ngày càng phát triển; các tàu được đóng mới có trọng tải lớn (10.000-21.000 tấn), cơ sở hạ tầng của cảng, bến thủy nội địa như: cầu bến, kho bãi, thiết bị bốc xếp, hệ thống hạ tầng kết nối, tuyến luồng còn hạn chế, quy mô đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu vận tải.

Tình trạng một số cửa sông khan cạn, chưa được đầu tư nạo vét, bố trí phao tiêu, báo hiệu hướng dẫn luồng lạch ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an toàn và năng lực vận chuyển của các phương tiện…

Vận tải thủy trên Sông Đào (Nam Định). Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

BNEWS:Theo như phản ánh của nhiều doanh nghiệp, thủ tục hành chính liên quan đến tàu sông pha biển còn khá rườm rà. Vậy Cục Đường thủy nội địa sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Hoàng Hồng Giang: Hiện nay, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đang triển khai xây dựng dịch vụ công cấp độ 3, 4 đối với các thủ tục hành chính của Cục; trong đó có thủ tục đối với việc cấp phép vào và dời cảng bến thủy nội địa; công bố bộ câu hỏi thi và đáp án thi lấy bằng, chứng chỉ chuyên môn đối với thuyền viên, người lái phương tiện, hệ thống bằng chứng chỉ chuyên môn trên hệ thống trang thông tin điện tử của Cục.

Đồng thời, chúng tôi cũng đang rà soát sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa, các quy định của ngành hàng hải đối với phương tiện VR-SB …; lấy ý kiến các cơ quan liên quan, ban hành văn bản, hướng dẫn để giải quyết triệt để các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Cần hành lang pháp lý để các tuyến vận tải sông pha biển hoạt động hiệu quả . Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

BNEWS: Để các tuyến vận tải sông pha biển nói chung hoạt động hiệu quả, theo ông cần bổ sung, sửa đổi hành lang pháp lý về vấn đề này như thế nào?

Ông Hoàng Hồng Giang: Theo tôi, thứ nhất cần tăng cường sự phối hợp giữa các ngành hàng hải, đường thuỷ nội địa, đăng kiểm, biên phòng, hải quan, các địa phương để quản lý tốt nhất, hiệu quả nhất, phù hợp với thực tế và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khai thác tuyến.

Để đảm bảo an toàn, thuận lợi cho công tác quản lý phương tiện mang cấp VR-SB của các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp, xem xét để quy định các phương tiện VR-SB trang bị thêm các trang thiết bị an toàn hàng hải tối thiểu (AIS, phao vô tuyến S.EPIRB).

Ngoài ra, tiếp tục tổ chức hội nghị tiếp xúc với các doanh nghiệp vận tải, các cảng, địa phương có phương tiện VR-SB hoạt động trên tuyến ven biển nhằm nắm bắt khó khăn, bất cập trong hoạt động kinh doanh vận tải để có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực vận chuyển, năng lực canh tranh.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương, rà soát các bến cảng thủy nội địa, luồng, cửa sông, năng suất bốc dỡ hàng hóa... nhằm cải tạo, nâng cấp, nâng cao năng lực khả năng tiếp nhận phương tiện VR-SB.

Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về đường thủy nội địa, hàng hải và các quy định liên quan;

tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quy định về phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa theo Thông tư số 47/2015/TT-BGTVT ngày 14/9/2015 và bố trí các chức danh thuyền viên theo Thông tư số 56/2014/TT-BGTVT ngày 24/10/2014.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện VR-SB chạy vượt tuyến; kiểm soát tải trọng hàng hóa chuyên chở của tàu tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải.

BNEWS: Xin cám ơn ông.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục