Hà Nội chỉ có gần 40% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch

17:50' - 29/11/2017
BNEWS Nếu đối chiếu với tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, thì nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô chưa thể về đích nông thôn mới.

Đến nay, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn Hà Nội được sử dụng nước sạch mới đạt gần 40%. 

Nếu đối chiếu với tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, thì nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô chưa thể về đích nông thôn mới. 

Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, có từ 95 - 100% người dân khu vực nông thôn được cấp nước sạch và nhanh chóng đổi mới công tác quản lý, đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo các chuyên gia môi trường, nguyên nhân là do nhiều trạm cấp nước nông thôn được xây dựng từ lâu, thiết kế trạm đầu mối của các trạm cấp nước lạc hậu; diện tích đất trạm đầu mối nhỏ và nằm xen kẹt ở khu đông dân cư… 

Công tác duy tu, duy trì trạm xử lý và đường ống không được quan tâm thực hiện thường xuyên dẫn đến công trình nhanh xuống cấp. 

Bên cạnh đó, nhiều trạm cấp nước được xây dựng mới theo Quyết định số 2691/QĐ-UBND ngày 18/4/2013 của UBND thành phố Hà Nội về Quy hoạch cấp nước sạch nông thôn và vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 không còn phù hợp, nhất là ở các địa phương không có nguồn nước ngầm, hoặc nguồn nước mặt bị ô nhiễm. 

Cụ thể, ba công trình cấp nước ở xã Lê Thanh, xã Vạn Kim và xã Hùng Tiến của huyện Mỹ Đức có được quy hoạch lấy từ nguồn nước mặt sông Đáy hiện đang bị ô nhiễm. 

Trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa đã xây dựng với tổng kinh phí 40 tỷ đồng, nhưng người dân không dám dùng nước vì được lấy từ nguồn nước mặt sông Đáy. 

Trong khi đó, hiệu suất hoạt động trung bình của các trạm cấp nước nông thôn mới chỉ đạt khoảng 75% so với công suất thiết kế. 

Tỷ lệ thất thoát nước của các trạm cấp nước lại còn khá cao, thấp nhất là 10% và cao nhất là 70%, tỷ lệ nước sạch thất thoát trung bình khoảng 30%. Nhiều nơi không có quy trình vận hành.

Trong số hơn 80 trạm cấp nước đang hoạt động, chỉ có 31 trạm có quy trình vận hành, chiếm tỷ lệ 37,3%; 42 trạm cấp nước có nhật ký vận hành, chiếm tỷ lệ 49,4%. 

Chất lượng nước sạch chưa đồng đều, do chưa được quản lý theo đúng quy định. Việc kiểm định chất lượng nước chủ yếu do Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thực hiện nhưng chưa thường xuyên. 

Các trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã hầu như chưa thực hiện việc kiểm định chất lượng nước đối với nguồn nước do các hộ dân tự khai thác theo hướng dẫn của Sở Y tế. 

Công tác vệ sinh tại các trạm cấp nước, nhất là vấn đề xử lý chất thải trong quá trình lọc nước chưa được quan tâm thường xuyên. 

Hầu hết các trạm cấp nước đang hoạt động không có hệ thống xử lý chất thải, vì vậy trong quá trình lọc nước có chứa rất nhiều các kim loại độc hại với cơ thể con người chưa được xử lý, nhưng vẫn được các trạm cấp nước xả thẳng ra môi trường. 

Hiện nay, mô hình quản lý các trạm cấp nước nông thôn chưa thống nhất nên chưa xây dựng được quy trình sản xuất, xử lý, vận hành nước đối với các trạm cấp nước đã đi vào hoạt động. 

Các doanh nghiệp chưa xây dựng giá bán nước có tính đúng, tính đủ để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chủ yếu áp dụng theo Quyết định 38/2013/QĐ-UBND ngày 19-9-2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc bán giá nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố áp dụng đối với hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh. 

Vì vậy, việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các công trình cấp nước sạch còn dở dang gặp nhiều khó khăn do công trình đầu tư không đồng bộ, thiếu hạng mục, thiếu đường ống nhánh và đấu nối đến hộ dân…/. 

Xem thêm:

>>>Công trình cấp nước bỏ hoang: Dân vẫn “khát” nước sạch

>>>Gần chục năm chưa xây dựng xong trạm cấp nước sạch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục