Hà Nội chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết khó lường

21:22' - 12/10/2017
BNEWS Chi cục Thủy lợi Hà Nội vừa đề nghị các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp thuỷ lợi chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết khó lường và việc xả lũ của hồ thuỷ điện Hoà Bình.
Ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, tính đến chiều ngày 12/10 trên địa bàn thành phố Hà Nội có 178 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Thạch Thất ngập sâu nước; trong đó, lúa là 17ha, rau màu 1ha; 160 ha rau màu ngập sâu nước huyện Gia Lâm.

Để chủ động đối phó với diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, Chi cục Thủy lợi Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã; các doanh nghiệp thuỷ lợi thực hiện nghiêm túc Công điện số 06/CĐ-UBND hồi 15h30’ ngày 11/10/2017 của UBND Thành phố về việc chủ động đối phó kịp thời với mọi diễn biến bất lợi của mưa, dông và việc xả lũ của hồ thủy điện Hòa Bình; Công điện số 15/CĐ-BCH hồi 19h00’ ngày 10/10/2017 và Công điện số 16/CĐ-BCH hồi 05h00’ ngày 11/10/2017 của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai Thành phố.

Bên cạnh đó, các quận, huyện tập trung theo dõi chặt chẽ sự cố đê điều đã xảy ra, sẵn sàng lực lượng phương tiện để ứng phó khi có diễn biến xấu; thường xuyên cập nhật dự báo mưa, lũ của cơ quan khí tượng thuỷ văn để kịp thời điều chỉnh các phương án vận hành hệ thống công trình thuỷ lợi cho phù hợp

Ngoài ra, Chi cục Thủy lợi Hà Nội cũng đề nghị Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội chỉ đạo các Công ty Điện lực các quận, huyện, thị xã ưu tiên cấp nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng ngập.

UBND các quận, huyện, thị xã; các doanh nghiệp thuỷ lợi thực hiện chế độ trực ban 24/24h; thường xuyên cập nhật thông tin, số liệu và ứng phó với diễn biến mưa bão, tình hình thiệt hại trên địa bàn về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi Hà Nội theo quy định.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp Thủy lợi, hồi 14 ngày 12/10 tổng số trạm bơm vận hành 165 trạm bơm tiêu với 672 máy bơm; tổng lưu lượng bơm khoảng 1.867.000 m3/h.

Mực nước Sông Nhuệ tại Cống Đồng Quan ở báo động I hồi 14h30’ ngày 11/10; báo động II hồi 17h45’ ngày 11/10, báo động III vào hồi 01h15’ ngày 12/10. Đến chiều nay, mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn Hà Nội đều đã đạt mức thiết kế.

Trên địa bàn huyện Chương Mỹ do mưa lớn, lượng mưa từ 7h ngày 9-10 đến 7h ngày 12/10 tại thị trấn Chúc Sơn là 119mm; Hạ Dục là 298mm; Trí Thủy là 322mm; Đồng Sương là 340mm. Mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt là 7,14m, trên báo động 3 là 0,14m.

Mưa lớn đã làm ngập khoảng 92ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch; khoảng 842,4ha cây vụ Đông bị hư hỏng; diện tích cây ăn quả bị ngập khoảng 63,8ha; diện tích thủy sản bị ngập khoảng 125ha. Tính đến nay, trên địa bàn huyện, mưa lũ đã làm chết 178 con gia súc, 9.700 con gia cầm.

Đặc biệt, có 9.900 mét đê bị ngập, bao gồm các địa bàn Thị trấn Xuân Mai và các xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Thanh Bình và Đông Sơn…

Trước tình hình đó, chính quyền cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an kịp thời di dời 618 hộ với 5.558 nhân khẩu đến nơi an toàn. Hiện nay, các lực lượng ứng trực tại hiện trường vẫn duy trì quân số 100%, bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đánh giá, huyện Chương Mỹ đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống mưa lũ, nhất là thực hiện phương châm "4 tại chỗ". Các lực lượng quân đội, công an như: Sư 308, Trường Sĩ quan Đặc Công, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an thành phố đã vào cuộc chủ động tích cực hỗ trợ địa phương. Người dân cũng rất chủ động, hợp tác cùng với các lực lượng chức năng khắc phục khó khăn, di dời người và tài sản bảo đảm an toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục