Hà Nội: Xử lý vi phạm trật tự xây dựng chưa dứt điểm

17:21' - 25/12/2015
BNEWS Theo Thanh tra Sở xây dựng Hà Nội, việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng chưa dứt điểm, còn tồn tại một số công trình gây bức xúc dư luận như: số 8B Lê Trực; chung cư 88 Láng Hạ...
Tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội - một trong những công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Theo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2015, tổng số công trình đã kiểm tra trên địa bàn thành phố là 20.582 công trình, phát hiện 2.668 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; trong đó, không phép 808 trường hợp; sai phép 561 trường hợp; sai quy hoạch, sai thiết kế 23 trường hợp; xây dựng công trình ảnh hưởng đến công trình lân cận, môi trường 101 trường hợp; số công trình xây dựng trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp, lâm nghiệp 1.175 trường hợp.

100% các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, Thanh tra Xây dựng đã kịp thời thiết lập hồ sơ vi phạm, đề xuất biện pháp xử lý, đồng thời chuyển đến UBND các cấp để xử lý theo quy định.

Đáng chú ý, trong tổng số 2.668 trường hợp vi phạm, UBND các cấp đã ban hành 1.799 quyết định đình chỉ; cưỡng chế phá dỡ 436 trường hợp; yêu cầu chủ đầu tư tự khắc phục 1.180 trường hợp; xử lý bằng các hình thức khác 183 trường hợp; đang tiếp tục giải quyết 869 trường hợp.

Các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn chính quyền các cấp ban hành 1.238 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng (tăng 284% so với năm 2014); trong đó, đã thu được gần 11 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2015, Thanh tra Sở đã chỉ đạo các đội thanh tra xây dựng trên địa bàn, phối hợp với UBND cấp quận, huyện tiến hành kiểm tra 94 dự án phát triển nhà ở, các dự án khu đô thị. Qua đó, phát hiện 65 dự án vi phạm về trật tự xây dựng. Đối với các dự án khu đô thị, có 18 dự án vi phạm trật tự xây dựng và đã bị xử phạt gần 900 triệu đồng.

Mặc dù đã tập trung chỉ đạo tăng cường quản lý trật tự xây dựng, song, Thanh tra Sở cũng thẳng thắn thừa nhận, việc xử lý vi phạm vẫn còn những tồn tại, chưa xử lý kiên quyết, dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận. Điển hình là các vi phạm trật tự xây dựng tại các công trình: số 8B Lê Trực; chung cư 88 Láng Hạ; chung cư cao tầng và trung tâm thương mại văn phòng 250 Minh Khai; khu nhà ở CT36 Tower 326 Lê Trọng Tấn; dự án trụ sở văn phòng làm việc, nhà ở tại tổ 50 Yên Hòa của Công ty TNHH Thăng Long; tòa nhà làm việc và kinh doanh dịch vụ 38 Trần Thái Tông của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc; dự án Đại Thanh…

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, năm 2016, để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn, Sở chỉ đạo các đơn vị chức năng lập kế hoạch thường xuyên kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch, theo giấy phép xây dựng tại các công trình, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là trên các tuyến phố, tuyến đường, nút giao thông mới mở.

Đồng thời phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, dứt điểm 558 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, không để phát sinh mới, nhất là các vụ vi phạm nghiêm trọng. Mặt khác, Sở sẽ xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra công vụ định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện các hành vi nhũng nhiễu, bao che, cố tình làm trái của Thanh tra xây dựng, quận, huyện.

Ngoài ra, Sở cũng tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp theo Nghị định 180 của Chính phủ.

Song, để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND cấp quận, huyện thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Sở và UBND quận, huyên, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn. Đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã và lực lượng làm công tác quản lý trật tự xây dựng tăng cường kiểm tra, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh các sai phạm, kiên quyết xử lý không để tồn đọng các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp xây dựng không phép, sai quy hoạch trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất công để thống nhất trên toàn địa bàn và xác định rõ trách nhiệm về vấn đề này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục