Hàng Việt vẫn gặp nhiều rào cản khi bước chân vào kênh phân phối hiện đại

15:50' - 26/04/2017
BNEWS Đến năm 2018, hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ có thuế suất bằng 0% và hàng loạt các FTA có hiệu lực thì hàng Việt phải chịu sức ép về chất lượng và giá thành.
Hàng Việt vẫn gặp nhiều rào cản khi bước chân vào kênh phân phối hiện đại. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Để làm rõ về việc có hay không hàng có xuất xứ Việt đang gặp nhiều khó khăn trong kênh phân phối hiện đại, ngày 26/4, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hàng Việt trong cuộc cạnh tranh vào kênh phân phối hiện đại”.

Thực tế hiện nay cho thấy, cuộc cạnh tranh của hàng có xuất xứ Việt với hàng hóa nhập ngoại và hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài gia công tại Việt Nam vào kênh phân phối hiện đại đang ngày càng gay gắt.

Nguyên nhân là do đến năm 2018, hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ có thuế suất bằng 0% và hàng loạt các FTA có hiệu lực thì hàng Việt phải chịu sức ép về chất lượng và giá thành.

Cùng với đó, trong kênh phân phối hiện đại, doanh nghiệp ngoại chiếm thị phần lớn, nên họ có quyền lựa chọn hàng hóa vào hệ thống siêu thị. Hơn nữa, hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, gia công tại Việt Nam cũng đang có nhiều lợi thế về mẫu mã và chất lượng khiến hàng Việt đã khó lại thêm khó.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hàng có xuất xứ Việt để vào được các kênh phân phối hiện đại sẽ gặp nhiều trở ngại như mức chiết khấu không cao. Ngoài ra, hàng có xuất xứ ngoại và hàng của nước ngoài gia công, đóng gói tại Việt Nam đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, dẫn đến hàng có xuất xứ Việt khó cạnh tranh cùng một mức giá ở cùng một sản phẩm…

Liên quan đến việc có hay không hàng Việt Nam đang gặp khó khăn và hàng Việt chiếm 70-80% kênh bán lẻ hiện đại. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, qua số liệu thống kê 7 năm trở lại đây, có thể thấy rõ tỷ lệ hàng Việt trưng bày tại hệ thống siêu thị BigC hay Saigon Co.op lên tới 90%.

Vấn đề ở đây là vẫn còn nhiều người nhầm lẫn về khái niệm hàng Việt. Bởi, tất cả các hàng hóa không phải nhập khẩu vào Việt Nam và là những sản phẩm lắp ráp, sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam đều được coi là hàng Việt.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, sở dĩ hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước tham gia vào kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm mua sắm chưa bao giờ dễ dàng vì kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam còn khá ít, chưa đạt 30%.

Cùng với đó, hàng hóa vào siêu thị bao giờ tiêu chuẩn cũng cao hơn chợ truyền thống, hay các shop bán hàng thông thường vì tiêu chuẩn cao được coi là “rào cản” về kỹ thuật.

Mặt khác, các doanh nghiệp không thường xuyên cập nhật yêu cầu của các hệ thống phân phối hiện đại nên hàng hóa dù tốt nhưng vẫn khó cạnh tranh. Chính vì vậy, dù nhiều doanh nghiệp đã cố gắng thay đổi hình thức mẫu mã nhưng chưa có bứt phá khiến người tiêu dùng còn e dè khi lựa chọn.

Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long cho biết, sau hơn 20 năm hoạt động ở Việt Nam, Big C phân phối trên 45.000 mặt hàng và có tới trên 90% xuất xứ là hàng Việt.

Nhiều năm nay, hệ thống Big C vẫn luôn có chính sách đồng hành cùng hàng Việt. Tuy nhiên, là nhà phân phối Big C cũng đưa ra những quy chuẩn cụ thể khi đưa hàng vào hệ thống để hỗ trợ trưng bày cũng như chạy các chương trình giảm giá khuyến mại nhằm hút khách.

Đơn cử như với mặt hàng giấy vệ sinh, Big C yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh mặt hàng đảm bảo an toàn vệ sinh, chất lượng đảm bảo nhằm nâng cao vị thế hàng Việt và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Cũng chính từ những rào cản ban đầu này mà hơn 1000 doanh nghiệp Việt khi đã bước chân qua cửa của hệ thống Big C đều cảm thấy hài lòng và yên tâm khi ký gửi hàng hóa tại đây.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cũng tán thành quan điểm hiện nay tại các siêu thị hàng Việt chiếm tới trên 70%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp Việt lại đang mất dần thị phần ngay chính trên sân nhà.

Bởi, hệ thống phân phối chỉ là kênh giúp xích gần khoảng cách giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. Còn lòng tin và sự lựa chọn hay không phải dựa vào chất lượng của chính sản phẩm ấy.

Một vấn đề nữa đang được bà Đinh Thị Mỹ Loan trăn trở là việc đưa hàng vào hệ thống bán lẻ và được đặt trên các quầy kệ chưa chắc đã đem lại lợi ích kinh tế nhiều cho các doanh nghiệp.

Vì chi phí vận hành rất tốn kém, rào cản nhiều. không những thế, khi doanh nghiệp đã bắt tay hợp tác với hệ thống phân phối thì lại quay lưng với kênh bán lẻ truyền thống mà lâu nay vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp.

Lý giải ý kiến cho rằng khi bước chân vào siêu thị doanh nghiệp phải chịu nhiều khoản phí, cả khuyến mại, ông Nguyễn Thái Dũng khẳng định, Big C lựa chọn sản phẩm, nhà cung cấp đứng trên góc độ đại diện bảo vệ quyền lợi người mua sắm nên luôn lựa chọn hàng hóa tốt, giá cả hợp lý.

Bên cạnh đó, nếu xét về tổng thể có thể thấy rằng hàng hóa đưa vào BigC không hề khó nhưng để phục vụ khách hàng tại đây lại không phải là việc dễ dàng. Khi Big C chạy các chương trình khuyến mãi, nhà sản xuất phải có trách nhiệm chia sẻ để các bên cùng hưởng lợi. Và kết quả cho thấy sau các chương trình này hầu hết doanh số đều tăng gấp 2-3 lần, khối lượng hàng hóa cũng được tiêu thụ mạnh.

Nhờ chính sách này, thúc đẩy bán hàng, người dùng thân quen, quen thuộc với hàng hóa, lần sau khi thấy thương hiệu đó họ sẽ lựa chọn.

Hiện tại, nhiều siêu thị đã đạt 80%, thời gian tới tập trung kênh truyền thống (chiếm 70%), để đạt đc con số đó, theo bà Lê Việt Nga, nhiều địa phương đã phải tích cực kết nối cung cầu, đưa hàng hóa vào kênh phân phối.

Dù vậy, hiện nay ở cả ba cấp nhà nước, ngành và doanh nghiệp đều chưa có chiến lược phát triển bán lẻ, nguồn nhân lực của doanh nghiệp chưa được đào tạo bài bản, quản trị doanh nghiệp yếu; chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro,... Đây chính là thách thức lớn của ngành bán lẻ là doanh nghiệp thiếu tính liên kết, hợp tác chặt chẽ, có nguyên tắc.

Để đạt mục tiêu dự kiến đến năm 2020, kênh online sẽ chiếm 40% lưu chuyển hàng hóa, các doanh nghiệp trong nước cần huy động sức mạnh cộng đồng để sớm giành thế chủ động, trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn đến từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Cùng đó, Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về địa điểm kinh doanh, vay vốn ưu đãi… tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối bán lẻ.

Đặc biệt, cần áp dụng các chế tài mạnh để thực hiện triệt để chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đầu tư, mở rộng và chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ đó, làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, hướng tới hoạt động mua bán thông qua các kênh phân phối hiện đại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục