Hậu Giang lần đầu tiên tổ chức phản biện xã hội với đề án cấp nước nhỏ lẻ

20:32' - 05/10/2017
BNEWS Ông Huỳnh Hữu Kế, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang cho biết đây là lần phản biện đầu tiên được tổ chức tại tỉnh.

Ngày 5/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang lần đầu tiên tổ chức phản biện xã hội đối với Đề án cấp nước nhỏ lẻ phục vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Ông Huỳnh Hữu Kế, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang cho biết đây là lần phản biện đầu tiên được tổ chức tại tỉnh. Từ cuộc phản biện này, đơn vị lập đề án sẽ phải làm rõ những vấn đề các ý kiến phản biện nêu ra, cũng như chỉnh sửa đề án phù hợp với những nội dung đã được thống nhất tại cuộc phản biện.

Theo ông Nguyễn Văn Lòng, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang: Đề án cấp nước nhỏ lẻ phục vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang dự kiến thực hiện từ năm 2018 – 2020 có tổng vốn đầu tư hơn 141 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước hỗ trợ hơn 68 tỷ đồng và vốn dân đối ứng hơn 73 tỷ đồng. Mục tiêu tổng quát là giải quyết khó khăn cho khoảng 15% số hộ dân sống phân tán khu vực nông thôn có nguồn nước sạch dùng trong sinh hoạt gia đình.
Phản biện Đề án này, ông Đặng Cao Trí, Trưởng Ban kinh tế ngân sách, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho rằng các số liệu trong Đề án chưa chặt chẽ, chưa cập nhật được số liệu mới nhất, nhiều lập luận, chứng cứ còn sơ sài, không logic.

Ông Đặng Cao Trí đề nghị đơn vị chủ trì đề án thực hiện điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá số liệu, nội dung cần chính xác và cụ thể; cơ sở dữ liệu phải mang tính logic, khoa học và sát thực hơn để không gây lãng phí ngân sách khi đi vào thực hiện.

Đề án cũng không đề cập việc đẩy mạnh xã hội hóa mà chỉ tập trung vào ngân sách Nhà nước và vốn đối ứng của người dân. Số tiền bình quân mỗi hộ phải đối ứng là hơn 4 triệu đồng sẽ là một gánh nặng, hay nói cách khác đây là một khoản nợ mà nhiều người dân khó có khả năng hoàn trả.
Cùng tham gia phản biện Đề án, ông Bùi Trí Thức, Báo Hậu Giang cho biết: Qua khảo sát thực tế, người dân nông thôn tại nhiều địa phương của tỉnh cho thấy Đề án là cần thiết nhưng chưa cấp bách. Người dân thiếu thật nhưng chưa cần.

Do đó trước mắt nên mở rộng mạng lưới cấp nước sạch ra vùng ven thay vì đầu tư trạm cấp nước nhỏ lẻ theo đề án. Với Đề án cấp nước nhỏ lẻ cần tiến hành khảo sát quy mô lớn hơn nữa ở ấp, xã và đối tượng được khảo sát phong phú hơn nữa.
Trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh sẽ tập trung thực hiện tham mưu cho Tỉnh ủy có văn bản chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở hàng năm phải đề xuất nội dung phản biện xã hội; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức phản biện xã hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục