Hơn 74% người dân hài lòng với kết quả giải quyết thủ tục cấp "sổ đỏ"

17:41' - 26/04/2016
BNEWS SIPAS 2015: Kết quả điều tra cho thấy đa số người dân đánh giá cao sự đúng hẹn của cơ quan hành chính nhà nước trong việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân.
Hội nghị Công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015. Ảnh: TTXVN

Có đến 74,4% người dân đánh giá hài lòng đối với toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trong đó 73,7% người được hỏi cho biết hài lòng đối với việc tiếp cận dịch vụ và kết quả giải quyết thủ tục.

Con số này đã được Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đưa ra tại Hội nghị công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015 (SIPAS 2015), ngày 26/4.

Chỉ số này được đánh giá thông qua khảo sát 11.873 người dân, tổ chức đã giải quyết thủ tục hành chính và nhận kết quả trong phạm vi cả nước từ tháng 1/2014 đến tháng 6/2015 tại 108 xã, phường, thị trấn thuộc 36 quận, huyện, thành phố của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phân tích 11.873 mẫu phiếu khảo sát thu về (trong tổng số 15.120 mẫu phiếu phát ra) đối với 6 dịch vụ cơ bản, liên quan đến người dân gồm chứng thực, cấp giấy khai sinh, cấp đăng ký kết hôn, cấp giấy chứng minh nhân dân, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng nhà ở cho thấy có 83,4% người dân hài lòng về toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục cấp giấy chứng minh nhân dân.

Con số này đối với thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở là 78,4%, thủ tục chứng thực là 86%, kết hôn là 89,5%, khai sinh là 87,5%. Đặc biệt, có đến 79,4% người dân hài lòng về sự phục vụ của công chức khi đi làm thủ tục cấp giấy chứng minh nhân dân, 74,3% người dân hài lòng khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và với thủ tục chứng thực, con số này 84,3%, thủ tục kết hôn là 87,2%, thủ tục khai sinh là 85,3%, thủ tục cấp giấy phép xây dựng là 75,4%.

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng cho biết những nỗ lực cải tiến chất lượng phục vụ người dân của cơ quan hành chính nhà nước thời gian qua thể hiện rõ nét qua việc giảm đáng kể số lần người dân phải đi lại đến cơ quan hành chính nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính ở cấp xã.

Người dân cũng đánh giá cao sự đúng hẹn của cơ quan hành chính nhà nước trong việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mặc dù được đánh giá thấp nhất trong 6 thủ tục được khảo sát, cũng có 81% người dân được hỏi cho rằng kết quả được trả đúng hẹn và 2,8% trả sớm hơn hẹn. Thủ tục đăng ký kết hon được đánh giá cao nhất về sự đúng hẹn với 89,1% người dân được hỏi khẳng định nhận kết quả đúng hẹn và 9,1% nhận kết quả sớm hơn hẹn.

Song, các cơ quan hành chính nhà nước giải quyết 6 thủ tục trên vẫn còn phải cải thiện để đảm bảo không lỡ hẹn trả kết quả cho người dân, bởi vẫn còn 1,8% - 16,1% người dân được hỏi nói rằng họ bị lỡ hẹn.

Tuy nhiên, kết quả trên có vẻ chưa phù hợp với đánh giá của “người trong cuộc”. Cho rằng khảo sát mức độ hài lòng là việc làm hết sức cần thiết, vì mức độ hài lòng là thước đo chất lượng dịch vụ của các cơ quan nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan, hướng tới nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các cơ quan công quyền, song, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Chế Viết Sơn nhận định kết quả khảo sát không phản ánh đúng thực trạng khách quan.

Đôi khi người đánh giá cho xong chuyện vì đã trót nhận tiền bồi dưỡng. Phương pháp chọn mẫu không đủ tin cậy. Mẫu phiếu khảo sát cũng quá dài… Cũng như vậy, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh, bà Phan Thị Tố Hoa cho rằng kết quả đánh giá cao nhưng thực chất như thế nào là vấn đề cần xem xét. Việc chỉ chọn lựa khảo sát tại 3 huyện ở một tỉnh như Hà Tĩnh chưa mang tính phổ quát, chưa thể chính xác.

Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha đánh giá: công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia điều tra xã hội học chưa được chú trọng, nhiều người dân chưa hiểu rõ mục đích, yêu cầu, của việc điều tra cũng như nội dung cụ thể được ghi trong các phiếu điều tra dẫn đến có hiện tượng nể nang, điền phiếu theo cảm tính.

Việc hướng dẫn người dân tham gia điều tra xã hội học chưa được quan tâm. Thời gian chuẩn bị của các cơ quan Trung ương khá kỹ và dài, nhưng thời gian thực hiện điều tra xã hội học ở cơ sở quá ngắn và gấp, chưa khoa học dẫn đến khó khăn, lúng túng cho địa phương trong công tác chuẩn bị, cũng như quá trình triển khai thực hiện.

Quyết định của Bộ Nội vụ để địa phương chủ động về thời gian tổ chức điều tra xã hội học trong một thời gian ngắn (10 ngày) từ 01/10 đến 12/10 là chưa phù hợp dẫn đến tình trạng nhiều địa phương đồng thời tổ chức điều tra xã hội học cùng thời điểm.

Vì vậy việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan trung ương không thực hiện được như Kế hoạch đề ra. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì tổ chức điều tra Xã hội học chưa thực hiện đầy đủ, rõ ràng.

Trong quá trình tổ chức điều tra xã hội học, cơ quan chủ trì có nơi không cử người trực tiếp xuống địa phương, phó mặc để địa phương tự tổ chức điều tra phần nào ảnh hưởng đến chất lượng phiếu nhất là những địa phương tổ chức không có sự giám sát, kiểm tra của các Tổ công tác liên ngành (kể cả cấp Trung ương)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục