IUCN cảnh báo các đại dương bị ô nhiễm vì hạt nhựa siêu nhỏ

06:59' - 24/02/2017
BNEWS Hiện rất nhiều hạt nhựa siêu nhỏ không nhìn thấy được, có nguồn gốc từ lốp xe hay quần áo làm từ sợi tổng hợp đang tác động đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.
IUCN cảnh báo các đại dương bị ô nhiễm vì hạt nhựa siêu nhỏ. Ảnh minh họa: Pinterest

Ngoài những đống rác trôi dạt làm ô nhiễm đại dương, hiện rất nhiều hạt nhựa siêu nhỏ không nhìn thấy được, có nguồn gốc từ lốp xe hay quần áo làm từ sợi tổng hợp, cũng tác động đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Đây là lời cảnh báo của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đưa ra ngày 22/2.

Theo IUCN, những hạt nhựa này cũng nằm trong các lớp sơn tầu, sơn vạch đường hay mỹ phẩm và trong bụi đô thị, chúng chiếm một phần quan trọng trong "đống hỗn hợp chất dẻo", làm cáu bẩn các dòng nước, chiếm từ 15-31% trên tổng số khoảng 9,5 triệu tấn chất dẻo được đổ ra biển hàng năm.

Tại nhiều nước phát triển ở Bắc Mỹ và châu Âu, IUCN phát hiện thấy sự ô nhiễm do các hạt nhựa gây ra còn vượt quá cả mức ô nhiễm do rác thải nhựa khác. Ông Karl Gustaf Lundin, phụ trách Chương trình Biển và Cực của IUCN, cho biết có rất ít nghiên cứu về sự tác động của các vi hạt này lên sức khỏe, dù chúng đã được tìm thấy trong chuỗi cung cấp thức ăn hay trong nguồn nước.

Trong khi đó, những hạt nhựa này lại có kích thước vô cùng nhỏ để có thể thâm nhập sâu vào cơ thể người và như vậy có thể "gây ra tác động đáng kể".

IUCN khuyến cáo các nhà sản xuất lốp xe và quần áo nên cải tiến công nghệ để sản phẩm của họ ít gây ô nhiễm hơn.

Cụ thể, nên dùng rộng rãi hơn chất liệu cao su trong việc sản xuất lốp xe, loại bỏ lớp nhựa tráng trong ngành công nghiệp dệt may hay các nhà sản xuất máy giặt phải lắp hệ thống lọc hạt nhựa.

Ông Lundin cảnh báo tình hình hiện đang ở mức báo động tại Bắc Cực - nguồn cung cấp hải sản lớn nhất cho châu Âu và Bắc Mỹ. Các hạt nhựa siêu nhỏ này bị đóng trong băng.

Khi băng tan, các hạt này tan theo nước, các loài cá ăn các hạt này và như vậy chúng "thâm nhập trực tiếp vào chuỗi cung cấp thức ăn của con người"./.

>>> Kỷ lục đền bù về ô nhiễm tiếng ồn tại Nhật

>>> Cỏ biển biến mất đe dọa sức khỏe con người và sinh vật biển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục