Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong thị trường điện cạnh tranh

16:48' - 28/11/2016
BNEWS Xây dựng thị trường điện cạnh tranh là một trong những trọng tâm của cải cách thể chế.
Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong thị trường điện cạnh tranh. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong thị trường điện cạnh tranh nhằm thảo luận, đề xuất hoàn thiện khung chính sách để thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong thị trường điện cạnh tranh một cách hiệu quả vì lợi ích người tiêu dùng.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, xây dựng thị trường điện cạnh tranh là một trong những trọng tâm của cải cách thể chế.

Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, phát triển năng lượng tái tạo, thì không thể thiếu thị trường điện cạnh tranh, việc phát triển thị trường điện cũng là dư địa cho các nguồn năng lượng khác xuất hiện và phát triển.

Ông Phạm Đức Chung, CIEM cho biết, ở Việt Nam, sản xuất điện năng lượng tái tạo thuộc nhóm ưu đãi đầu tư (ưu đãi về giá, thuế, đất đai, vay vốn…).

Theo đó, Việt Nam đã áp dụng cơ chế giá ưu đãi cố định. Cơ chế giá chi phí tránh được: áp dụng cho thủy điện nhỏ, điện sinh khối, giúp cho việc sử dụng hiệu quả các nguồn tái tạo thay thế cho các nguồn điện hóa thạch và nhiên liệu nhập khẩu...

Tuy nhiên, thị trường điện hiện nay chưa đảm bảo tính độc lập của các doanh nghiệp trong các khâu sản xuất - truyền tải- phân phối.

Thị trường điện đã hoạt động nhưng chưa “cạnh tranh”. Hơn nữa, tính độc lập của các cơ quan điều tiết, giám sát cạnh tranh còn thấp. Do đó, thị trường điện thiếu nền tảng của thị trường điện cạnh tranh nên khó thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo mới.

Để thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong thị trường điện cạnh tranh một cách hiệu quả, ông Phạm Đức Chung nhấn mạnh việc cần tiếp tục tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo kế hoạch, đặc biệt quan tâm đến tái cấu trúc quản trị công ty, bao gồm cả vấn đề chủ sở hữu; đảm bảo tính độc lập đầy đủ giữa các doanh nghiệp sản xuất, phân phối với các nhà điều hành truyền tải.

Đồng thời bảo đảm tất cả các nhà sản xuất và phân phối đều có quyền tiếp tục cân bằng và như nhau đến hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao tính độc lập của Cục Điều tiết điện lực, nâng cao năng lực của Cục Quản lý cạnh tranh; áp dụng triệt để theo cơ chế giá điện cạnh tranh, thỏa thuận theo cơ chế thị trường.

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất, các dự án phát triển, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cần được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư. Theo đó, các dự án phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Đồng thời, bố trí kinh phí từ các quỹ để hỗ trợ các nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các dự án thí điểm, dự án công nghệ liên quan đến sự phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.

Đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho mục đích năng lượng phải đóng phí môi trường tương ứng với khối lượng nhiên liệu được sử dụng.

Một phần phí môi trường được sử dụng cho khuyến khích phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thông qua Quỹ phát triển năng lượng bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục