Kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm: Áp lực thay đổi!

14:18' - 16/06/2018
BNEWS Để tham gia được vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, đòi hỏi việc sử dụng, kiểm dịch bảo vệ thực vật ở Việt Nam cũng phải có bước chuyển lớn.
Kiểm dịch thực vật và chiếu xạ lô vải tươi xuất khẩu sang thị trường Australia. Ảnh: TTXVN

Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết ngày một tăng thì rào cản kỹ thuật cũng sẽ được các nước sử dụng triệt để như một biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước. Chính vì thế, hàng rào kỹ thuật cả về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đang được các nước nâng lên ở mức rất cao.

Là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản mạnh trên giới, để tham gia được vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, đòi hỏi việc sử dụng, kiểm dịch bảo vệ thực vật ở Việt Nam cũng phải có bước chuyển lớn.

Chẳng hạn về kiểm dịch thực vật, các nước hầu như đòi hỏi nước xuất khẩu phải cung cấp một bộ tài liệu kỹ thuật rất chi tiết về thành phần dịch hại, biện pháp phòng trừ, sản lượng, phân bố vùng trồng…

Bên cạnh đó, thời gian để phân tích nguy cơ dịch hại làm cơ sở để mở cửa thị trường cho một loại sản phẩm là rất lâu, thậm chí kéo dài đến hàng chục năm. Về mặt an toàn thực phẩm, rất nhiều mức dư lượng đang được các nước EU, Mỹ… quy định ở mức là 0 hoặc rất thấp.

Xu thế và nhu cầu đòi hỏi phải sản xuất sạch, bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, việc quản lý vật tư nông nghiệp đứng trước rất nhiều thách thức; trong đó, ít nhất yêu cầu đặt ra phải có một Danh mục Thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường.

Nông dân cũng nhận thấy rõ phải sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: CropLife Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bỏ ra khỏi danh mục 7 hoạt chất (với trên 1.000 tên thương phẩm) có độc tính cao, tồn dư trên nông sản gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái.

Không dừng lại ở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn hiệu quả và các thuốc bảo quản rau quả, ủ chín trái cây an toàn để vừa đáp ứng mục tiêu phòng chống sinh vật gây hại nhưng vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu chuyển hướng phát triển sản phẩm sinh học đáp ứng nhu cầu ngày một tăng nhanh của thị trường.

Trước sự biến đổi khí hậu, phòng chống sinh vật gây hại đòi hỏi phải chủ động cả ở trong dự tính, dự báo. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình như: Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo sạ né rầy, công nghệ sinh thái… trên diện rộng. Ngành sẽ đặc biệt chú ý phát triển chương trình IPM trên các loại cây trồng khác, ngoài cây lúa.

Là một trong những đơn vị cung cấp các giải pháp bảo vệ thực vật trên thế giới và đồng hành cùng ngành bảo vệ thực vật, khuyến nông trong việc hướng dẫn người dân trong quản lý dịch hại tổng hợp và thực hành nông nghiệp tốt (GAP), bà Lê Thị Khánh Hòa, Giám đốc Đối ngoại Công ty Syngenta Việt Nam cho rằng, để có một sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, bên cạnh việc đã có một công nghệ, sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật tốt thì người sử dụng phải là người thực hành nông nghiệp tốt.

Theo bà Lê Thị Khánh Hòa, một trong những khó khăn khi công ty tập huấn cho nông dân trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả là sản xuất của Việt Nam còn manh mún. Do đó, việc tiếp cận được 10 triệu nông dân để tuyên truyền, tập huấn là thách thức lớn của doanh nghiệp.

Bởi mỗi năm, Công ty Syngenta Việt Nam chỉ tổ chức được trên 2.000 lớp tập huấn, với chỉ hơn 200.000 hộ nông dân. Như vậy, tỷ lệ nông dân được tiếp cận các giải pháp công nghệ và công ty chuyển giao rất nhỏ.

Tuy nhiên, để có sự lan truyền, cũng như tiếp cận sâu rộng hơn với nông dân, công ty đã kết hợp với hệ thống bảo vệ thực vật địa phương để đưa được nhiều giải pháp thông qua nhiều hình thức hơn. Hiện nông dân cũng nhận thấy rõ phải sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật vừa để đảm bảo sức khỏe cũng như đảm bảo sản phẩm của mình được tiêu thụ.

CropLife hướng dẫn nông dân kiểm tra dịch hại trên đồng ruộng. Ảnh: Tổ chức CropLife Việt Nam

Với sự phát triển của thị trường, yêu cầu tất yếu phải hình thành và phát triển các chuỗi liên kết để có lượng nông sản lớn, chất lượng đồng đều, giao hàng đúng lúc, đạt tiêu chuẩn….

Cụ thể, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, bài toán về sản phẩm xuất khẩu, kiểm soát an toàn thực phẩm và ứng dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, sử dụng phân bón đúng cách mới có thể giải quyết được triệt để. Các chuỗi liên kết cũng là tiền đề quan trọng để áp dụng các công nghệ 4.0 vào thực tế sản xuất.

Bà Hòa cho biết, công ty cũng hướng đầu tư vào các chuỗi sản xuất. Khi đó, đơn vị quản lý đầu ra sản phẩm sẽ kiểm soát đầu ra, đầu vào vật tư nông nghiệp và nông dân phải đảm bảo tuân thủ quy trình sản xuất an toàn.

Hiện công ty đang đầu tư cho hai chuỗi sản phẩm cà phê và hồ tiêu. Công ty sẽ phối hợp cùng các nhà thu mua sản phẩm để tạo ra vùng nguyên liệu an toàn. Khi đó, nông dân phải tuân thủ đúng quy trình của nhà thu mua đưa ra, từ đó họ sẽ có ý thức tuân thủ hơn trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Trước tình trạng ở một số nơi, nông dân còn lạm dụng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu trước mắt phải giảm nhanh số lượng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là nhóm thuốc trừ cỏ, thuốc có độc tố cao hiện không phù hợp nhiều với sinh thái.

Cục Bảo vệ thực vật cũng đặt mục tiêu sẽ rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong Danh mục Thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học được đăng ký và sử dụng.

Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đồng thời rà soát, siết chặt hệ thống phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy để đảm bảo quản lý tốt chất lượng vật tư nông nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu phải kiểm soát thuốc nhập lậu, bởi đây là thuốc sẽ không kiểm soát được số lượng, chất lượng và quá trình sử dụng. Cùng với đó là chấn chỉnh mạng lưới cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là khâu dịch vụ trung gian.

Đặc biệt, hướng các nhà sản xuất, phân phối, người sử dụng vào sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường như thuốc sinh học để thay thế dần các nhóm thuốc hóa học./.

>>> Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu giảm 15% chi phí từ thủ tục hành chính

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục