Kiên Giang ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

16:02' - 14/05/2018
BNEWS Trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới kết hợp với các phương pháp chọn giống truyền thống nhằm chọn tạo các giống lúa có khả năng chịu mặn từ bằng đến trên 4‰.
Kiên Giang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây rau như: trồng rau thủy canh, rau nhà lưới, rau hữu cơ... Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh đang ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, đạt năng suất, đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững.

Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới kết hợp với các phương pháp chọn giống truyền thống nhằm chọn tạo các giống lúa có khả năng chịu mặn từ bằng đến trên 4‰, chịu hạn 15 - 20 ngày; ứng dụng phương pháp lai hồi giao kết hợp với chỉ thị phân tử; phương pháp nuôi cấy túi phấn; ứng dụng công nghệ tế bào; thanh lọc mặn, hạn để chọn ra những dòng lúa có khả năng chống chịu tốt nhất; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, sản xuất giống một số đối tượng cây trồng như: dứa, hoa chuông, hoa lan, chuối,…

Bắt đầu từ năm 2018, một số địa phương trong tỉnh đã có kế hoạch thực hiện về chứng nhận VietGAP, hữu cơ cho sản phẩm nông sản như: lúa (Hòn Đất, Giồng Riềng, An Biên); hồ tiêu, khoai lang, ổi (Giồng Riềng); chanh, rau, khóm (Châu Thành); nấm rơm (Phú Quốc), lúa hữu cơ (An Biên, An Minh),…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất cây rau như: trồng rau thủy canh, rau nhà lưới, rau hữu cơ, rau đạt Viet GAP; đầu tư hỗ trợ thực hiện mô hình tập trung vào các vùng chuyên canh rau - hoa có giá trị kinh tế, các tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại, hộ cá thể đủ điều kiện sản xuất; xây dựng vùng nông nghiệp đô thị công nghệ cao phục vụ dân cư đô thị và khách du lịch ở thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, huyện đảo Phú Quốc.

Đến năm 2020, tỉnh sẽ xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ U Minh Thượng; đồng thời, chọn một số vùng đất mới chuyển đổi trồng lúa có điều kiện áp dụng canh tác hữu cơ, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, điện, trạm bơm, cơ giới hóa các khâu sản xuất, áp dụng công nghệ động bộ để quy hoạch thành vùng sản xuất lúa hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, diện tích thực hiện cánh đồng lớn theo hướng VietGAP năm 2017 là 47.683 ha trên 163 cánh đồng ở 11 huyện, thị với 15 công ty tham gia liên kết cung ứng vật tư đầu vào và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa; phấn đấu đến năm 2020 diện tích này đạt 100.000 ha, chiếm 27% diện tích sản xuất lúa/vụ.

Diện tích lúa chất lượng cao tăng dần theo từng vụ, hướng nông dân canh tác lúa theo quy trình VietGAP, 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm. Sử dụng nguồn giống lúa chất lượng cao đạt trên 90% diện tích, diện tích sử dụng cấp giống xác nhận 168.782 ha/vụ.

Theo ông Đỗ Minh Nhựt, đến nay, tỉnh có nhiều sản phẩm nông, thủy sản đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP gồm: 8,45 ha nuôi tôm sú luân canh trồng lúa; 21,1 ha chuối xiêm; 200 ha dứa Tắc Cậu; 6 ha rau màu và hơn 4 ha hồ tiêu đạt chứng nhận GlobalGAP; đặc biệt, mô hình sản xuất lúa hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế USDA tại Hợp tác xã Thạnh An, xã Đông Thạnh, huyện An Minh…/.

>>> Phát triển nông nghiệp thông minh trong xu hướng cách mạng 4.0

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục