Kinh nghiệm chống xâm nhập mặn bằng xây đê, đắp đập ở một xã vùng chua mặn

06:03' - 27/03/2016
BNEWS Xâm nhập mặn và hạn hán đang là vấn đề nóng của các địa phương trong cả nước. Nhưng ở xã Bình Dương (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) việc chống xâm nhập mặn người dân đã thực hiện hàng chục năm qua.
Ngập mặn và hạn hán đang là nỗi lo của rất nhiều địa phương vùng Trung và Trung Nam Bộ. Ảnh: Huỳnh Sử-TTXVN

Dẫn chúng tôi đi dọc con sông Trà Bồng chạy quanh cánh đồng xanh mát với cơ man nào là ớt, lúa, Chủ tịch xã Bình Dương Đỗ Minh Huấn vui mừng: Hàng năm, bắt đầu vào tháng 1, hàng trăm người dân xã Bình Dương cùng nhau đến con sông Trà Bồng để đắp đập ngăn dòng không cho nước mặn từ biển xâm nhập theo con sông làm hại cây trồng của xã.

Ngày đắp đập giống như ngày hội của dân làng xã Bình Dương khi mà toàn xã, ai nấy cũng tham gia. Thanh niên trai tráng thì vận chuyển cát, đá hoặc đóng cọc để ngăn dòng; đàn bà phụ nữ thì đan phên, làm bạt, người già thì phụ giúp những việc vặt. Công việc tuy vất vả nhưng vui vì chính con đập này sẽ góp phần ngăn mặn xâm nhập gây hại cho hàng trăm hecta cây trồng của toàn xã.

Đưa tay chỉ cho chúng tôi khu sản xuất rộng lớn, phì nhiêu, chủ tịch xã khẳng định: Nếu như trước đây, khu vực này chỉ là những cánh đồng bỏ hoang thì giờ đây, những cánh đồng ớt, lúa xanh tốt thay thế cho những cây cỏ dại. Con đập này góp phần giúp người dân xã Bình Dương cứu được gần 350 ha đất sản xuất từ những cánh đồng chết.

Ông Phan Ngọc Mai, người dân thôn Đông Yên 2 (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) cho biết, trước đây, t oàn bộ đồng ruộng của Bình Dương đây bị chua phèn hết. Người dân ở đây không thể làm nông nghiệp, nhất là trồng lúa được. Từ khi xã cho đắp đập ngăn mặn thì người dân có đất sản xuất, người thì trồng cây lúa, người thì trồng cây ớt hay hoa màu khác.

Con đập này nằm ở phía gần cuối hạ nguồn và nằm vắt ngang qua 1 nhánh của con sông Trà Bồng có chiều rộng khoảng 4m, dài gần 160m. Đỉnh đập cao hơn mặt nước khoảng 2m và được làm từ cát, cây dương liễu, phên tre, nứa, bạt nilong...

Cách đó không xa là con đập thứ 2 chỉ dài khoảng 40m ngăn mặn của nhánh thứ 2 của con sông Trà Bồng và cũng được làm với những vật dụng “cây nhà lá vườn” này. Gọi là đập tạm vì nó không được xây dựng kiên cố và được làm hàng năm.

Ông Võ Tấn Đại, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Bình Dương, đơn vị chủ công trong việc đắp đập cho biết, con đập này được người dân đắp từ những ngày đầu của tháng 1 và được phá bỏ vào khoảng tháng 8 khi mà thời tiết đã có nhiều mưa.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này (từ tháng 1 đến tháng 8) nếu xảy ra lũ thì cả hàng nghìn ngày công của nhân dân Bình Dương đổ ra biển và phải tiếp tục đắp đập khác.

Ông chủ nhiệm HTX khẳng định: “ Nếu không có đập này thì chắc chắn nước mặn từ cửa biển Sa Cần lên tới tận cầu Sắt (cầu Châu Ổ, thị trấn Châu Ổ) thì nước sinh hoạt và nước sản xuất của nhân dân toàn vùng bị xâm nhập mặn”

Đã có hơn 350 ha được người dân “cứu sống” từ những cánh đồng chết vì nhiễm mặn. Hàng trăm hộ dân được uống nước ngọt thay vì nước nhiễm mặn hoặc phèn chua.

Việc thực hiện đắp đập ở xã Bình Dương được thực hiện từ đầu những năm 1980 và kéo dài cho đến nay. Do vậy, nhờ kinh nghiệm được đúc kết từ hàng chục năm qua, việc ngăn dòng, đắp đập mà người dân nơi đây thực hiện chỉ mất có khoảng 5 ngày.

Nhưng trước đó người dân phải chuẩn bị sẵn sàng các vật liệu như: cọc gia cố được lấy từ rừng cây dương liễu gần đó; bạt nilon để đựng cát; những tấm phên làm bằng tre nứa để phủ mặt ngoài; đá, cát để đổ vô chính giữa để tạo thành con đập...

Chủ tịch xã Đỗ Minh Huấn cho biết, xã Bình Dương là địa phương nằm ở đoạn cuối của dòng kênh Thạch Nham do vậy lượng nước ngọt đưa về phục vụ nông nghiệp không đủ. Việc xây đập ngăn mặn cũng tạo ra lượng nước ngọt giúp hàng trăm hecta cây nông nghiệp tưới tiêu trong cả mùa khô hạn.

Bên cạnh đó, con đập cũng góp phần tạo ra nước ngọt dùng trong sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân trong xã và 6 xã, trị trấn lân cận. Hàng năm, xã thường tổ chức xây đập ngăn sông Trà Bồng và sông Cáp Gia và nếu nắng hạn nhiều thì xã sẽ tiếp tục đắp đập ngăn sông Giao, con sông thứ 3 chạy qua địa bàn xã.

Song song với việc xây đập bổi để ngăn mặn, ngay từ lâu người dân xã Bình Dương còn thực hiện xây con đê để ngăn mặn xâm nhập vào cánh đồng. Hiện toàn xã đã có trên 6.000m đường đê bao quanh những cánh đồng; trong đó có 3.242m đê được kiên cố hoá bằng bê tông và 2.900m đê bằng đất. Hàng năm, lượng mưa lớn và nước lũ tràn về, người dân xã Bình Dương liên tục gia cố lại những đoạn đê bằng đất để tránh vỡ đê, ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh.

Sau khi ngăn mặn, người dân trong xã bắt đầu khai khẩn và tiến hành sản xuất trên cánh đồng rộng lớn này. Gần đây, khi thời tiết chuyển biến với thời tiết khô hạn kéo dài, người dân bắt đầu đổi từ trồng lúa sang trồng cây ớt.

Chủ tịch xã Bình Dương, Đỗ Minh Huấn cho biết: “ Những năm qua, vùng đất Bình Dương phát triển mạnh cây ớt vì loại cây này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Từ những diện tích nhỏ, manh múm ban đầu đến nay diện tích ớt tăng mạnh với khoảng 120ha.”

Hiện tại xã trồng ớt có năng suất khoảng 20 tấn/ha và với giá bán khoảng trên 20.000 đồng/kg như hiện nay thì mỗi hecta đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tính trung bình với 350ha đất sản xuất được cứu sống từ những cánh đồng nhiễm mặn thì hàng năm toàn xã đem về thu nhập khoảng 5 tỉ đồng.

Chị Trần Thị Dân, người dân thôn Đông Yên 1, xã Bình Dương cho biết, từ khi cánh đồng này không bị nhiễm mặn, gia đình cũng mạnh dạn đầu tư chuyển đổi từ trồng cây lúa sang trồng cây ớt. Trồng ớt có tiền hơn trồng cây lúa. Bà con nơi đây có cuộc sống ấm no cũng nhờ nhiều vào cây ớt này và cái chính là từ việc có nước ngọt để tưới tiêu và sản xuất.

Bình Dương là một xã vùng chua mặn trước đây từ đó chỗ chính quyền tổ chức đắp đập bồi ngăn mặn để giữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất sinh hoạt. Từ đồng ruộng có 100 hecta sản xuất thôi đã nâng lên được 500 hecta.

Bên cạnh đó bà con chuyển đổi cây trồng và tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế; nhờ đó đời sống kinh tế của nhân xã nâng lên, phát triển. Và cũng từ việc đắp đập, xây đê đã đảm bảo nước sinh hoạt cho bà con trong xã và các xã lân cận. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục