Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: Các đại biểu hiến kế chống hạn mặn

17:26' - 24/03/2016
BNEWS Trả lời phỏng vấn BNEWS bên lề kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm đối phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Cần khôi phục lại tốc độ che phủ rừng, nghiên cứu một cách bài bản, lâu dài và chỉ đạo một cách hiệu quả, quyết liệt để tạo lòng tin trong dân…  Đó là những giải pháp đã được các đại biểu quốc hội chia sẻ bên lề Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII ngày 24/3, trước tình hình hạn hán và xâm nhặp mặn đang diễn ra ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

 Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thảo luận ở tổ. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

* Ông Đỗ Văn Đương (đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Cần nghiên cứu một cách bài bản, lâu dài.

Trước mắt, chúng ta cần thuê những chuyên gia, có đánh giá độc lập. Trước mắt, cần xử lý từ những việc cụ thể để trở thành bài bản, lâu dài. Việc nghiên cứu này, cần được tiến hành ngay, tiến hành cấp bách để dành mọi nguồn nhân lực đầu tư chất xám nghiên cứu.

Đồng thời, dành một nguồn kinh phí rất thỏa đáng để đầu tư vào lĩnh vực này. Còn việc cứu trợ hiện nay là cần thiết nhưng chỉ mang tính tình thế.

Tuy nhiên, để làm được việc này cần một nguồn kinh phí rất lớn, nhưng trong lúc này, chúng ta cần cân đối việc chi tiêu ngân sách Nhà nước; cần tập trung vào những việc trọng yếu để phát triển lâu dài. Những lĩnh vực khác, tạm thời gác lại mà tập trung cấp bách cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Tôi cũng đề xuất, Chính phủ nên ban hành Nghị quyết; trong đó, ban hành có lộ trình cụ thể, phân định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành và chính quyền địa phương cũng như huy động sức mạnh của toàn dân để phục vụ cho chống hạn, chống xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long một cách thiết thực và hiệu quả nhất.

Đại biểu Quốc hội các tỉnh Vĩnh Long; Lai Châu; Quảng Nam; Hà Tĩnh thảo luận tại tổ. Ảnh: An Đăng/TTXVN

* Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đoàn Vĩnh Long): Cần chỉ đạo hiệu quả, quyết liệt.

Thời gian qua, địa phương cũng đã chủ động dự báo tình hình xâm nhâp mặn cũng như hạn hán để hướng dẫn cho dân chủ động, khắc phục, ngăn ngừa nhằm đảm bảo cho sản xuất, thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chủ động xử lý những công trình có thẩm quyền và huy động nguồn lực trong dân để ngăn mặn, điều tiết nước cho phù hợp; đồng thời, cũng phản ánh về Bộ xem xét những khó khăn vướng mắc, vượt thẩm quyền của địa phương để Trung ương hỗ trợ.

Bên cạnh đó, địa phương cũng phối hợp với các nhà khoa học, các Viện, các cơ quan tổ chức hội thảo để tìm ra những giải pháp thích ứng với tình hình diễn biến mặn và hạn trong hiện nay và trong tương lai; đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng bà con nông dân đồng tâm, hợp lực để chia sẻ với cộng đồng, coi như đây là thiên tai của khu vực.

Hiện nay, địa phương cũng có những khó khăn trong giải quyết hạn hán và xâm nhập mặn, đó là nguồn vốn để thực hiện, sản xuất trong tình hình diễn biến rất phức tạp; bên cạnh đó, điều kiện để ngăn ngừa, phòng chống đã vượt quá khả năng. 

Tôi đề xuất, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ nên tập trung phối hợp các Bộ, ngành để giúp cho Đồng bằng sông Cửu Long thoát khỏi khó khăn bị mặn hạn vì hiện nay tình trạng này đã ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, thu nhập và gây hoang mang cho đời sống của của người dân.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

* Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Cần khôi phục lại tốc độ che phủ rừng.

Nông nghiệp hiện nay chủ yếu là tăng giá trị gia tăng của sản phẩm bằng con giống, công nghệ cao và biến thành các sản phẩm chế biến. Do đó, chúng ta cần cố gắng chi phối thị trường, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Nếu như ngành nông nghiệp Việt Nam có từ 1-2 sản phẩm nhất thế giới, chi phối được thế giới, thế giới yêu thích, chúng ta mới có cơ hội đẩy mạnh được ngành nông nghiệp. Tôi đồng ý, nông nghiệp của chúng ta có thế mạnh cực lớn.

Nhiều nước như New Zeland, Australia... cũng dựa vào nông nghiệp nhưng họ áp dụng công nghệ cao để đưa ra những sản phẩm có giá trị cao. Trong vòng vài thập kỷ tới, nước nào có nhiều lương thực và nước ngọt, thì nước đó có thế mạnh để thương lượng với thế giới. Đây là vấn đề chiến lược.

Trước vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửa Long, tôi đề nghị Chính phủ khôi phục lại tốc độ che phủ rừng như cách đây 20 năm; xây một số đập nước lớn ở phía Bắc, phía Nam và Tây Nguyên.

Khi mưa xuống chúng ta ngăn giữ lại để đến mùa hạn chúng ta có thể điều tiết. Như vậy, cũng sẽ là phương pháp khả thi để chúng ta độc lập về nguồn nước./.  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục