Kinh tế Iran trước khả năng Mỹ tái áp dụng trừng phạt (Phần 1)

05:30' - 26/06/2018
BNEWS Quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã được ký kết vào tháng 7/2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 đang gây lo ngại về những ảnh hưởng tới môi trường kinh tế vĩ mô ở Iran.
Lĩnh vực dầu mỏ chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế Iran. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Điều này đồng nghĩa với việc khôi phục các lệnh trừng phạt của Mỹ như trước khi ký kết thỏa thuận. Tuy nhiên, còn quá sớm để đánh giá tác động kinh tế của việc tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đó.

Trong trường hợp thỏa thuận giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) không duy trì tính toàn vẹn, nhiều công ty lớn ở châu Âu có thể phải đối mặt với nguy cơ bị từ chối tiếp cận thị trường Mỹ, nên họ sẽ lựa chọn rút khỏi thị trường Iran.
Trong mọi trường hợp, có thể rất khó để Iran thu hút lượng đầu tư nước ngoài được kỳ vọng như sau khi ký kết thỏa thuận. Nỗi lo sợ đang tồn tại ở Iran là trong ngắn hạn, quyết định của Mỹ sẽ kéo theo những khó khăn kinh tế cũng như ngăn cản nước này hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ nhờ vào đầu tư nước ngoài.

Hai tác giả Rémi Bourgeot và Thierry Coville, trong bài viết đăng tải trên trang iris-france.org đã phân tích về những lựa chọn chiến lược kinh tế của chính quyền Iran trong bối cảnh sắp tới.
Thứ nhất, lĩnh vực dầu mỏ chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế Iran (80% xuất khẩu và 40% thu ngân sách), do đó chính quyền Iran đang tìm kiếm sự bảo đảm từ nhiều khách hàng khác nhau để việc tái áp dụng các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu mỏ của đất nước Hồi giáo này. 
Trong giai đoạn 2007-2016, khi Iran phải đối mặt với các biện pháp cấm vận nghiêm ngặt thì Trung Quốc và Ấn Độ vẫn duy trì mua dầu của Iran. Hơn 40% lượng dầu của hai quốc gia này nhập khẩu từ Iran trong năm 2017. Do đó theo dự kiến, hai nước này sẽ tiếp duy trì việc mua dầu bằng cách sử dụng các loại tiền tệ quốc gia tương ứng.
Mặt khác, có khả năng là Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran. Kể từ năm 2011, EU đã đưa ra lệnh cấm vận dầu mỏ của Iran, bởi lúc đó EU và Mỹ có cùng quan điểm về “sự cần thiết phải theo đuổi chính sách kết hợp các biện pháp trừng phạt và đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân”. Nhưng tình hình hiện nay khá khác biệt, EU đang bảo vệ thỏa thuận hạt nhân và điều đó cho thấy EU rất khó để ngừng mua dầu Iran.
Trái lại, có nhiều khả năng các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản (với tỷ trọng dầu của Iran trong nhập khẩu dầu của hai nước này lần lượt là 14% và 5%, theo số liệu năm 2017) sẽ tuân theo lệnh cấm vận của Mỹ ngừng mua dầu của Iran. Thế nhưng, Trung Quốc và Ấn Độ hay thậm chí EU còn sẵn sàng tăng mua dầu thô của Iran.

Nền kinh tế Iran cũng ít nhạy cảm hơn với sự sụt giảm tài chính bên ngoài so với các nước khác, nhưng sự suy yếu của nguồn tài chính nước ngoài sẽ tự động lan sang những khó khăn nội bộ liên quan đến tài chính của hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, thực tế là Iran rất cần phải duy trì càng nhiều càng tốt sự hợp tác với các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty châu Âu, để bảo tồn động lực phát triển của quá trình hiện đại hóa công nghiệp.

Trong năm 2011-2012, việc phong tỏa các giao dịch tài chính của Iran đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp nước này, vì các công ty Iran khó có thể (hoặc với chi phí cao hơn rất nhiều) nhập khẩu nhiều mặt hàng “trung gian” mà họ cần để sản xuất. Điều này có nghĩa là Iran vẫn duy trì hoạt động thương mại với phần còn lại của thế giới ở một mức độ nhất định, và đặc biệt là với EU.
Điều này cũng cho thấy EU quan trọng như thế nào trong việc duy trì một hệ thống tài chính và thanh khoản của Iran, nhất là dựa vào các ngân hàng trung bình không quan tâm đến Mỹ hoặc các ngân hàng công của EU.

Một vấn đề quan trọng không kém đối với nước này, đó là các công ty như PSA và Renault vẫn đang tiếp hoạt động ở Iran trong lĩnh vực ô tô. Ngành công nghiệp ô tô ở Iran là ngành tuyển dụng lao động nhiều thứ hai ở nước này, với gần 840.000 nhân công và chỉ xếp sau lĩnh vực năng lượng.
Cũng cần lưu ý rằng sự suy giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài trong những tháng tới không đồng nghĩa với việc thiếu sự chuyển giao công nghệ mà Iran sẽ không thể hiện đại hóa ngành công nghiệp của mình.

Mặc dù không thể phủ nhận mối liên hệ giữa đầu tư nước ngoài và khả năng bắt kịp công nghệ ở các nước mới nổi, song cũng cần lưu ý rằng mối quan hệ này có khả năng phát triển do sự xuất hiện của các công nghệ mới (in 3D, trí tuệ nhân tạo, robot) mà chúng đã giúp các quốc gia có trình độ cao đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa. Bên cạnh đó, Iran đang sở hữu nguồn nhân lực tốt trong lĩnh vực này, điều đó mang tới nhiều lợi thế hơn các quốc gia mới nổi khác.
Nếu Iran muốn sử dụng tiềm năng khoa học để phát triển các công ty trong lĩnh vực này, vấn đề chính đặt ra là hệ thống ngân hàng. Nước này cần có một hệ thống ngân hàng cung cấp kinh phí để hỗ trợ các dự án phát triển kinh doanh liên quan tới công nghệ mới chứ không thể ép hệ thống ngân hàng hiện nay chuyển hướng dòng vốn từ các hoạt động sản xuất cho lĩnh vực công nghệ mới này. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng Iran đang trong tình trạng tài chính dễ bị tổn thương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục