Kinh tế số hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt

15:48' - 07/12/2017
BNEWS Nền kinh tế số đang tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy và phát triển ngành công nghiệp nội dung số thành mũi nhọn của ngành công nghệ thông tin.

Kinh tế số tạo điều kiện để ngành công nghiệp nội dung số thành mũi nhọn của ngành công nghệ thông tin, nhưng để tìm ra được những sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt có thể cạnh tranh với các sản phẩm, dịch vụ đang có của nước ngoài là thách thức lớn.

Thông tin trên được nêu ra tại Hội thảo sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt năm 2017, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 7/12.
Theo đại diện Vụ Công nghệ Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), những năm gần đây, công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đang trở thành ngành có tốc độ phát triển nhanh, bền vững với doanh thu cao, giá trị xuất khẩu lớn. Ngành thu hút trên 24.000 doanh nghiệp hoạt động, đóng góp 34.000 tỷ đồng thuế cho ngân sách và giải quyết việc làm cho trên 700.000 lao động.
Riêng công nghiệp nội dung số, tuy là lĩnh vực mới nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua với trên 2.700 doanh nghiệp hoạt động. Các chuyên gia cho rằng, công nghiệp nội dung số là ngành phù hợp với điều kiện Việt Nam nhờ lợi thế nguồn nhân lực trẻ, dồi dào; chi phí nhân công cạnh tranh; số lượng điện thoại thông minh và thuê bao 3G tăng mạnh từng năm; hạ tầng internet và di động băng thông rộng phát triển rộng khắp.
Theo bà Tô Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, dù là một trong những ngành trụ cột nhưng nội dung số vẫn chiếm tỉ trọng khiêm tốn trong cơ cấu thu nhập toàn ngành công nghệ thông tin. Số lượng công ty nhiều nhưng đa phần là quy mô nhỏ và vừa. Các sản phẩm mang thương hiệu, đủ khả năng chiếm lĩnh thị trường vẫn còn khiêm tốn.
Với chủ đề “Thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ nội dung số thương hiệu Việt trong nền kinh tế số”, hội thảo tập trung thảo luận các nội dung về vai trò của sản phẩm, dịch vụ nội dung số trong sự phát triển kinh tế số; nhận diện và bảo vệ thương hiệu Việt cho các sản phẩm nội dung số; cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đề xuất, kiến nghị chính sách, cơ chế, môi trường pháp lý nhằm đẩy mạnh phát triển sản phẩm dịch vụ thương hiệu Việt…
Bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) chia sẻ, trước thực trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường, doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ thương hiệu của mình. Việc minh bạch các thông tin truy xuất về nguồn gốc hàng hóa, giữ vững thương thiệu sẽ nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước sức ép hội nhập kinh yếu.
Phân tích thách thức đối với doanh nghiệp Việt, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, hiện chúng ta quy định khá chặt chẽ trong quản lý các doanh nghiệp đăng ký trong nước nhưng lại có phần buông lỏng đối với doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng xuyên biên giới (như quảng cáo xuyên biên giới). Điều này phần nào ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Lê Quang Tự Do, bên cạnh quy định pháp luật, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài, vốn đang chiếm ưu thế trên thị trường.

>>>APEC 2017: Hỗ trợ người lao động thích ứng với thời kỳ kinh tế số

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục