Kinh tế vùng gò đồi ở Thừa Thiên - Huế chuyển biến tích cực nhờ nguồn vốn ngân hàng

11:54' - 01/03/2018
BNEWS Trong những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế ở vùng gò đồi huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày một nâng cao.
Kinh tế vùng gò đồi ở Thừa Thiên - Huế chuyển biến tích cực nhờ nguồn vốn ngân hàng. Ảnh minh họa: TTXVN

Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương giúp các hộ gia đình đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì việc cho vay phát triển kinh tế của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Thừa Thiên - Huế đóng vai trò hết sức quan trọng.

Trong năm vừa qua, dư nợ cho vay của Agribank chi nhánh Thừa Thiên - Huế trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn đạt 539,8 tỷ đồng, thì dự nợ cho vay phát triển kinh tế vùng gò đồi đạt 113 tỷ chiếm 19%/tổng dư nợ của toàn huyện.

Trong phát triển kinh tế vùng gò đồi, Phong Điền xác định "Phát triển kinh tế vườn - rừng" là chủ yếu. Nhưng để "biến" vùng gò đồi trở thành những vườn cây trù phú, tràn đầy sức sống không phải là dễ. Hiện nay, Phong Điền đã phát triển được hơn 4.000 ha diện tích rừng kinh tế; trong đó, có hơn 1.200 ha người dân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ. Toàn huyện đã trồng với tổng diện tích hơn 1.400 ha cây cao su, hiện đã có hơn 1.200 ha đưa vào khai thác lấy mủ.

Cây cao su đã giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động tại địa phương và được xem là cây chủ lực, tạo nguồn thu nhập chính cho người dân. Từ 2010 đến nay, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống người dân ổn định hơn, thu nhập ngày càng tăng. Các xã Phong Mỹ, Phong Xuân năm 2010, hộ nghèo còn 5,1%, đến nay còn 4,05%.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Agribank chi nhánh Thừa Thiên - Huế cho biết, điều đáng quan tâm là, nếu năm 2015, chỉ riêng dư nợ cho vay trồng cây cao su đạt 20,162 tỷ, năm 2016 giảm xuống còn 17,358 tỷ, năm 2017 còn 9,397 tỷ đồng, nhờ có thu hoạch và trả nợ đúng hạn. Hiệu quả từ cây cao su mang lại khá cao, tuy giá mủ cao su có nhiều biến động nhưng người dân đã có thu nhập ổn định, từng bước trả gần hết nợ ngân hàng và bắt đầu có tích lũy.

Phát triển kinh tế vùng gò đồi theo hướng bền vững và hiệu quả là mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền huyện Phong Điền. Định hướng phát triển của huyện Phong Điền trong thời gian tới là chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi theo hướng phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, gắn với các cơ sở chế biến. Giữ ổn định diện tích đất trồng lúa 5000 ha, mở rộng diện tích cây thực phẩm đạt khoảng 1200 ha, cao su 2000 ha, hồ tiêu 700 ha, phát triển vườn cây ăn quả, trong đó thanh trà đạt 300-350 ha.

Phong Điền tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; hình thành nền nông nghiệp sinh thái, cơ giới hóa và công nghệ hóa. Huyện phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại và trang trại; nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đầu tư phát triển theo hướng nông lâm công nghiệp; kinh tế rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả gắn với phát triển dịch vụ du lịch và bảo vệ môi trường./.

>>> Agribank tiếp tục được Fitch Rating xếp hạng tín nhiệm mức B+ với triển vọng “Tích cực”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục