Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Làm rõ giải pháp thúc đẩy tăng trưởng GDP

20:02' - 09/06/2017
BNEWS Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với quyết tâm của Chính phủ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7% cùng các nhóm giải pháp cụ thể đã được đặt ra.
Toàn cảnh Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tiếp tục thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017, trong phiên làm việc buổi chiều 9/6, các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017.
Đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn
Cho rằng nguyên nhân mức tăng trưởng năm 2016 đạt thấp chủ yếu do giảm sút của 2 trụ cột là nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng, đại biểu Phạm Phú Quốc (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định mô hình tăng trưởng theo diện rộng phụ thuộc vào tích lũy các yếu tố sản xuất như vốn, tài nguyên, lao động đã bộc lộ nhiều bất cập.

Phân tích các thuận lợi và khó khăn tác động đến nền kinh tế trong năm 2017, đại biểu lưu ý những ngành kỳ vọng để thúc đẩy tăng trưởng như công nghiệp chế biến, chế tạo đã có mức tăng thấp so với các năm trước, nông nghiệp có tín hiệu khả quan, tăng nhẹ, nhưng chưa bền vững; ngành khai khoáng tăng trưởng âm đã tạo tác động mạnh đến tốc độ tăng trưởng đi xuống của GDP, chứng tỏ mô hình tăng trưởng quá phụ thuộc vào khai thác tài nguyên.

Định hướng giảm khai thác dầu thô nhưng lại mâu thuẫn với giải pháp cuối năm phải tăng sản lượng khai thác.
Đại biểu Phạm Phú Quốc đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ rào cản, dồn các nguồn lực, phân bổ ngân sách, vốn vay ưu đãi, vốn đầu tư công cho các vùng kinh tế trọng điểm để tạo tăng trưởng kinh tế địa phương, giúp tăng trưởng GDP cả nước.

Đồng thời đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn, cổ tức tại các doanh nghiệp nhà nước, lấy các nguồn tích lũy để tập trung cho tăng trưởng. Nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước, sớm hình thành đơn vị kiểm soát vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ở trung ương và các địa phương kinh tế trọng điểm.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng Chính phủ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả các nguồn lực đã có trong tay để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Trong đó, có việc đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn.

Theo phân tích của đại biểu, một số nguồn vốn phân bổ rất chậm như vốn trái phiếu Chính phủ mới phân bổ giao dự toán được 5.200 tỷ đồng, bằng 10,2% nghị quyết và việc giải ngân các dự án mới đạt 9,2% kế hoạch.
“Đây là tồn tại kinh niên, đúng quy trình mà trên đổ cho dưới, dưới đổ cho trên, là điểm nghẽn kéo dài nhiều năm, được phân tích, nói nhiều nhưng chuyển biến còn chậm”, đại biểu Vượt nói.
Theo đại biểu Vượt, nếu nguyên nhân là do cơ chế chính sách, Chính phủ cần xem xét sửa đổi, khơi thông vấn đề này. Nếu nguyên nhân do con người, phải xử lý nghiêm, kiên quyết với chủ đầu tư, chủ thầu không thực hiện đúng tiến độ, giảm thiểu tối đa công trình chậm tiến độ, đội vốn, gây nhiều thiệt hại, bức xúc về kinh tế - xã hội và hệ lụy khác.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ linh hoạt trong việc phân bổ vốn. Dự án nào đang tắc nghẽn phải dùng tiền dự án đó bổ sung cho dự án đang chạy được, đầu tư được, giải ngân được, sớm đưa vào hoạt động hiệu quả, góp phần giảm bớt sự lãng phí.
Tập trung xử lý nợ xấu
Không để nền kinh tế phải gồng mình nuôi nợ xấu, nuôi sự phi hiệu quả của đầu tư công, của mức chi thường xuyên, cần tập trung giải quyết trước năm 2019 các gánh nặng do sự yếu kém của cơ cấu kinh tế kéo tăng trưởng đi xuống là ý kiến của đại biểu Phạm Phú Quốc.
Đại biểu cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu, thúc đẩy việc hình thành các thể chế đặc biệt, các trung tâm tài chính, kinh tế vượt trội, tạo động lực kéo cả nước phát triển, xác định đây là chiến lược quốc gia để tăng năng lực cạnh tranh quốc tế, thúc đẩy bộ, ngành xây dựng đề án triển khai, phân quyền cho chính quyền địa phương thực hiện.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ về thuế, môi trường kinh doanh, thủ tục thông thoáng, chính sách bình đẳng.
Đề nghị Chính phủ tổ chức thực hiện hiệu quả việc xử lý nợ xấu, đại biểu Đinh Duy Vượt cũng đề xuất giải pháp để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, đó là tiết kiệm triệt để các khoản chi từ ngân sách, thực hiện tinh giản biên chế, tiếp tục đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để thu nộp ngân sách, tập trung vốn cho đầu tư phát triển.
“Qua kiểm toán đã phát hiện nhiều nguồn lực khá lớn, khả thi vì vậy phải đôn đốc kiểm tra, phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện thì sẽ thêm nguồn lực không nhỏ cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án đang cần vốn có khả năng giải ngân nhanh”, đại biểu Vượt cho hay.
Cũng theo đại biểu, đã đến lúc phải chấn chỉnh, quay lại với cốt lõi là nội lực doanh nghiệp trong nước, trong đó khu vực tư nhân phải là động lực quan trọng nhất đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
Giải đáp băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội về tình hình tăng trưởng GDP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ xác định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7% vì đây là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và là năm bản lề hết sức quan trọng để tạo tiền đề cho thực hiện mục tiêu các năm tiếp theo cũng như đạt được các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm.

Bên cạnh đó là yêu cầu phát triển nhanh để tránh tụt hậu với các nước trong khu vực và cũng là để tạo nguồn lực cho đầu tư, phát triển các giai đoạn sau, cũng như là duy trì sự ổn định các mục tiêu cân đối lớn như nợ công, thu ngân sách, tạo việc làm, vấn đề chi cho an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững,... từ đó góp phần cho ổn định xã hội, ổn định chính trị.
"Về quan điểm, Chính phủ xác định không tăng trưởng bằng mọi giá và không đánh đổi các nội dung cân đối vĩ mô, môi trường để lấy tăng trưởng và cũng xác định lấy ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu. Giải pháp căn cơ, cơ bản là tận dụng mọi cơ hội, tiềm năng để phát triển" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về cơ sở để xác định tăng trưởng năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều thuận lợi so với năm 2016. Nông nghiệp phục hồi mạnh hơn do thời tiết chuyển biến thuận lợi và kết quả của tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua.

Công nghiệp chế biến, chế tạo có tăng trưởng tích cực, có khả năng đạt tăng trưởng 13%. Xuất khẩu dự kiến đạt tăng trưởng 10%, tiêu dùng tăng trưởng tốt khoảng 10%, khu vực dịch vụ có khả năng tăng 7,19%.

Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư các nguồn ngân sách được đẩy nhanh tiến độ cũng như giải ngân các nguồn vốn từ tư nhân, đầu tư nước ngoài và một số dự án lớn được hoàn thành và đưa vào khai thác, đóng góp cho tăng trưởng những tháng cuối năm.
Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về việc khai thác thêm 1 triệu tấn dầu, Bộ trưởng cho biết, với tình hình phục hồi của giá và khả năng còn khai thác được, Chính phủ quyết định tận dụng cơ hội này khai thác thêm 1 triệu tấn dầu phục vụ cho mục đích tăng trưởng.

Việc khai thác thêm được đánh giá là có tác động tốt cho tăng trưởng, không ảnh hưởng đến việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên".
Bộ trưởng Dũng cũng cho biết 2 nhóm giải pháp cơ bản thúc đẩy tăng trưởng; trong đó, về lâu dài là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tăng năng suất lao động ; mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy thị trường trong nước.

Trong ngắn hạn, có thể thực hiện ngay trong năm 2017 là tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực phát triển, thúc đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thực tiễn của các ngành để điều chỉnh kịp thời.
Tái cơ cấu nợ công
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế không đạt theo yêu cầu nhưng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 đã tăng 1,95 lần so với giai đoạn 2006 – 2010 và cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, thu nội địa năm 2011 đạt 61,5% trong tổng thu ngân sách Nhà nước thì đến năm 2015 đã đạt 75%, năm 2016 là 79% và dự toán 2017 thu nội địa trong tổng số thu ngân sách nhà nước là 81,7%.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Về chi ngân sách, theo Bộ trưởng, trong tình hình kinh tế khó khăn, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ vẫn tập trung đầu tư thêm cho con người, chi an sinh xã hội.

Tốc độ tăng chi an sinh xã hội, tiền lương trong giai đoạn này tăng 18%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước. Đây là vấn đề làm cho cơ cấu ngân sách Nhà nước khó khăn thêm.
Về chi đầu tư phát triển, trong giai đoạn 2011- 2015 bố trí dự toán ở mức 18,2%, thấp hơn ở giai đoạn 2006 - 2010, nhưng trong điều hành hàng năm bổ sung từ nguồn dự phòng, tăng thu ngân sách Nhà nước, bổ sung kế hoạch giải ngân ODA, tăng tỷ trọng chi đầu tư thì chi đầu tư phát triển đã lên tới 23,6% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Nếu tính cả xổ số kiến thiết khoản ứng chi, con số này là 26% trong tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm. Năm 2017 bố trí dự toán chi đầu tư phát triển ngân sách Nhà nước là 25,7% trong tổng chi ngân sách Nhà nước. Như vậy có sự cải thiện rất đáng kể, đã tăng chi đầu tư và tăng khá nhanh.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong giai đoạn 2014-2016, Quốc hội đã phê duyệt phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, ngoài số 225.000 tỷ đồng. ODA giải ngân cao hơn so với dự toán, dự toán cả giai đoạn là 142.000 tỷ đồng, thực tế giải ngân 251.000 tỷ đồng.

Do phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, giải ngân cao hơn dự toán quá nhiều nên bội chi tăng cao. Bội chi của giai đoạn 2011-2015 dự toán là 5%, tuy nhiên thực tế giải ngân cao cùng phát hành trái phiếu Chính phủ nên đã lên đến 5,8%. Điều này dẫn đến nợ công tăng cao.

Nợ công năm 2010 ở mức 50% thì năm 2015 ở mức 62,5%, nếu xét về quy mô, năm 2015 gấp 2,3 lần của năm 2010 và tăng bình quân 18,4%.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, trước tình hình nợ công như vậy, thực hiện Nghị quyết 12 của Đảng, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07 về tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công.

Trong năm 2016-2017, vấn đề nợ công đã được kiểm soát, thông qua phát hành trái phiếu dài hạn. Quá trình tái cơ cấu nợ công thời gian qua là rất tốt.
Tại phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đã đánh giá về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và vấn đề chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; đồng thời đề ra những giải pháp để hoàn thiện những công tác trên trong thời gian tới.

>>>Đà tăng trưởng tác động tích cực đến thị trường lao động trong quý II/2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục