Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV: Cử tri đánh giá về phiên thảo luận tại hội trường

15:42' - 25/05/2018
BNEWS Nhiều cử tri Thủ đô cho rằng, các các đại biểu Quốc hội đã thảo luận thẳng thắn, sôi nổi, tâm huyết, làm rõ những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.
Phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sáng 25/5 thu hút sự chú ý của đông đảo cử tri, các tầng lớp nhân dân. 
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà phát biểu trong phiên thảo luận. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
* Cần chấm dứt đầu tư lãng phí, kém hiệu quả 
Nhiều cử tri Thủ đô cho rằng, các các đại biểu Quốc hội đã thảo luận thẳng thắn, sôi nổi, tâm huyết, làm rõ những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Cử tri cũng đánh giá cao vai trò điều hành của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội trên những kết quả bước đầu của những tháng đầu năm 2018. Điển hình là sự tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu giảm dần việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghiệp khai khoáng, khai thác tài nguyên, đặc biệt là dầu thô, than và xi măng. 
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui trước các chỉ số khả quan của kinh tế vĩ mô, nhiều cử tri Hà Nội đưa ra những ý kiến tâm huyết tới Quốc hội, Chính phủ; trong đó có thực tế thiếu hiệu quả trong công tác chống lãng phí. Nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra, những nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội sẽ là vô nghĩa nếu như tiếp tục tình trạng lãng phí, "tiêu hoang" trong đầu tư xây dựng. 
Cử tri Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và dịch vụ ATP (Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng đất nước còn khó khăn, không ít người dân còn nghèo nhưng tình trạng lãng phí lại rất phổ biến. Công trình Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam với mức đầu tư hơn 3.000 tỉ, trải dài trên diện tích 1.544 ha tại Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội) có quy mô lớn nhưng việc quản lý yếu kém, thiếu hoạt động chiều sâu, manh mún khiến công trình này ngày càng xuống cấp, vắng khách. “Chưa nói đến những công trình đầu tư hàng ngàn tỉ đồng nhưng hoạt động kém hiệu quả, trên toàn quốc còn rải rác hàng ngàn dự án trị giá từ hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng cũng trong tình trạng tương tự. Nếu cộng toàn bộ lại thì số tiền đầu tư cho các công trình này đủ để bớt nỗi lo cho đất nước trong áp lực nợ công”, cử tri Nguyễn Thị Hương nêu ý kiến. 
Đồng quan điểm, cử tri Ngô Thúy Liễu, Thạc sỹ, cán bộ Viện Nghiên cứu rau quả (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) bày tỏ suy nghĩ: Thời gian qua dù chúng ta kêu gọi đẩy mạnh tiết kiệm, phòng chống lãng phí song hiệu quả việc thực hiện là chưa cao. Điều đó thấy rất rõ qua những công trình hàng nghìn tỉ đồng bị phản ánh là thua lỗ, "đắp chiếu", song hàng năm vẫn còn những dự án kém hiệu quả được phê duyệt. Thực trạng này đang làm tiêu hao các nguồn lực của đất nước, làm yếu đi năng lực sản xuất, đời sống của nhân dân. 
Bày tỏ mong muốn Quốc hội, các thành viên Chính phủ cần siết chặt hơn nữa việc phê duyệt dự án, chấm dứt đầu tư lãng phí theo hình thức “bốc thuốc, dàn trải, thiếu trọng tâm, kém hiệu quả”, cử tri Ngô Thị Liễu nêu ý kiến: Việc chống lãng phí phải thực hiện và làm nghiêm từ cấp cơ sở, từ cán bộ cấp thấp đến cấp trung và cấp cao. Nhiều công trình phơi nắng mưa do không có giá trị sử dụng, ngân sách Nhà nước thì thất thoát còn thu nhập của người lao động thấp. Xét cho cùng, sở dĩ dẫn đến tình trạng như trên là vì bệnh quan liêu, xa rời thực tế và phô trương, coi trọng hình thức. Để loại trừ nạn lãng phí, rất mong Đảng, Quốc hội, Chính phủ mạnh tay hơn nữa trong việc tẩy sạch bệnh quan liêu. 
* Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội hiệu quả 
Qua theo dõi phiên thảo luận, cử tri Cao Văn Thiêm - Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình đánh giá, các đại biểu tham gia phiên họp, thảo luận sôi nổi, chất lượng, đi thẳng vào vấn đề, mang tính xây dựng và thể hiện ý thức trách nhiệm cao. Cử tri Cao Văn Thiêm đồng tình cao với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An cho rằng, bên cạnh tín hiệu vui về phát triển, tăng trưởng của nền kinh tế thì vấn đề suy thoái đạo đức xã hội đang đáng báo động, kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Cử tri Cao Văn Thiêm đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội hiệu quả. Đồng thời, có những giải pháp cứng rắn, mạnh tay trừng trị, ngăn chặn và đẩy lùi những hành vi mất nhân tính, mất đạo đức. Trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, cử tri cũng trăn trở trước những thất thoát, lãng phí nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản. Cử tri Cao Văn Thiêm đề nghị Chính phủ nên tính toán lại các định mức, vấn đề bù giá trượt giá, đội giá; phân công các cơ quan hữu quan tăng cường kiểm tra, rà soát, có giải pháp xử lý để giữ nghiêm phép nước, nề nếp; chỉ đạo rà soát để bổ sung, chỉnh sửa hệ thống các chính sách, chế tài xử lý vi phạm trong các lĩnh vực nhằm đủ sức răn đe. 
Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình phát biểu. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Góp ý các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội bền vững, cử tri Đào Thị Hải Yến - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần An Thái Thịnh (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cho rằng, nên tối giản hóa các thủ tục hành chính, văn bản; tránh rườm rà, tốn nhiều thời gian, tiền của và công sức. Chính phủ cần có những cơ chế chính sách thông thoáng, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt hơn để doanh nghiệp dễ tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hỗ trợ cũng cần có trọng tâm, trọng điểm các dự án mang tính đặc thù; đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển ý tưởng công nghệ cao... Cần cụ thể hóa các quy định của luật, tránh tình trạng luật quy định rộng nhưng đến văn bản dưới luật lại quá hẹp. Đồng thời, có giải pháp mạnh hơn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ODA, là nguồn lực quý để đầu tư cho phát triển. Chính phủ cũng cần nghiên cứu để phát huy tiềm năng, thế mạnh từng vùng, thực sự vực dậy những nơi còn khó khăn, đảm bảo phát triển đồng đều... 
Theo dõi phiên thảo luận, cử tri Trịnh Hữu Hùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ cho rằng kinh tế - xã hội đất nước thời gian qua đã đạt được các kết quả toàn diện và tích cực khi GDP tăng cao nhất trong 10 năm qua; môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả ấn tượng... Kết quả này là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của đồng bào, cộng đồng doanh nghiệp... 
Ông Hùng cho rằng, thời gian tới, các cơ quan cức năng từ Trung ương đến địa phương cần có các giải pháp nhằm nâng cao đạo đức xã hội, bảo đảm kỷ cương, phép nước, đặc biệt các các biện pháp mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng cũng như các vấn nạn khác như hàng giả, kém chất lượng, bạo lực học đường, bạo hành trẻ em, các vụ án giết người dã man xảy ra trong thời gian qua... 
Cử tri Nguyễn Văn Thắng, phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, coi đây là tiền đề, đòn bẩy để cả năm 2018 và những năm tiếp theo đạt được các mục tiêu đề ra của cả nhiệm kỳ theo các Nghị quyết của Đảng đã đề ra. Bức tranh kinh tế, xã hội năm 2017 khởi sắc đã mang lại niềm tin cho các cử tri địa phương được dẫn chứng bằng những con số cụ thể về tăng trưởng, về xuất khẩu, đầu tư trong lĩnh vực công, nông, ngư nghiệp... Tuy nhiên, tình trạng bán đất trái thẩm quyền tại địa phương, các dự án đổi đất lấy cơ sở hạ tầng tại địa phương còn phức tạp, chưa được giải quyết cụ thể, dẫn đến việc người dân khiếu kiện về đất đai chưa giảm… ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội các địa phương./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục