Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa XIII và quyết tâm đổi mới toàn diện

16:41' - 20/03/2018
BNEWS Sau hơn 2 tuần làm việc với sự tham dự của gần 3.000 đại biểu, kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIII đã bế mạc vào sáng 20/3.
Kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội Trung Quốc Khóa XIII. Ảnh: Vĩnh Hà - Phóng viên TTXVN tại Trung Quốc

Kỳ họp này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là kỳ họp đầu tiên được tổ chức sau Đại hội lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XIX), có nhiệm vụ luật hóa đường lối phát triển được đề ra tại Đại hội XIX, bầu và bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan Nhà nước khóa mới. Nhiều nghị trình quan trọng tác động sâu rộng tới đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Trung Quốc cùng với những điều chỉnh từ nền tảng luật pháp đến cơ cấu bộ máy Chính phủ đã được xem xét, thông qua tại kỳ họp. 

Quyết tâm đi sâu cải cách chính trị

2018 là năm đánh dấu kỷ niệm 40 năm Trung Quốc thực thi chính sách cải cách mở cửa, và tại kỳ họp này, các đại biểu một lần nữa đưa ra thông điệp rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường các cải cách trong mọi lĩnh vực, để một Trung Quốc cởi mở hơn sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế.

Quyết tâm cải cách được thể hiện trước hết ở các nỗ lực đổi mới về chính trị, đó là việc lần đầu tiên sau 14 năm qua, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua sửa đổi Hiến pháp, đồng thời thông qua kế hoạch cải cải tổ mạnh mẽ bộ máy chính phủ theo hướng tinh giản để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác; hợp nhất chức năng của nhiều cơ quan để giảm thiểu tình trạng chồng chéo.

Tân Hoa xã bình luận “Thành tựu và đóng góp lịch sử quan trọng nhất của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII là việc thông qua các nội dung sửa đổi Hiến pháp, khẳng định vai trò dẫn dắt của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, cũng chính là một bảo đảm nền tảng pháp lý cho việc thực hiện chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới trong đời sống chính trị - xã hội của Trung Quốc…. Kỳ họp này cũng đã phản ánh quan điểm đường lối của đảng, tiếng nói của nhân dân, ý nguyện của quốc gia đã đạt sự thống nhất cao độ”.

Cùng với việc xóa bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ đối với cương vị Chủ tịch nước, việc Quốc hội Trung Quốc thông qua kế hoạch cải tổ bộ máy chính phủ cũng được dư luận cả trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Với quyết định này, chính phủ khóa mới của Trung Quốc chỉ còn 26 Bộ và ủy ban, giảm 8 cơ quan ngang bộ và 7 cơ quan dưới bộ so với trước đây.

Các bộ mới được thành lập mới bao gồm Bộ Tài nguyên tự nhiên, Bộ Môi trường sinh thái, Bộ Nông nghiệp nông thôn, Bộ Văn hóa Du lịch (trên cơ sở sáp nhập Bộ Văn hóa và Bộ Du lịch), Bộ các vấn đề cựu chiến binh và Bộ Tình trạng khẩn cấp.

Đáng chú ý là việc hợp nhất hai cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm, cụ thể là Uỷ ban quản lý ngân hàng và Uỷ ban quản lý bảo hiểm, thành một cơ quan có nhiệm vụ giám sát hoạt động ngành bảo hiểm và ngân hàng. Đây là một phần trong kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tăng cường sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với nền kinh tế, quản lý chặt chẽ ngành ngân hàng, đề phòng rủi mang tính hệ thống trong lĩnh vực này.

Một trong những nội dung nghị trình quan trọng nữa tại kỳ họp là việc xem xét, thông qua Luật Giám sát quốc gia, được coi là một luật cơ bản về công tác phòng chống tham nhũng và giám sát nhà nước. Đối tượng và phạm vi tác động của bộ luật này rất rộng rãi, bao phủ toàn bộ cơ quan trong và ngoài đảng, trong và ngoài quân đội; các đảng phái, công chức, doanh nghiệp quốc doanh/tư nhân, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức quần chúng, các nhân sự quản lý từ trung ương tới địa phương.

Theo luật này, các ủy ban giám sát sẽ được thành lập ở cấp trung ương và các cấp địa phương, thực hiện quyền giám sát độc lập. Đây là cơ quan trực thuộc Quốc hội, ngang hàng với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và được giao quyền hạn rất lớn, lần đầu tiên hình thành một nhánh quyền lực mới tại Trung Quốc bên cạnh các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Giới quan sát đánh giá những quyết định cải cách chính trị của chính quyền Trung Quốc lần này phản ánh việc thực hiện cam kết trong “ba cuộc chiến” quan trọng là hóa giải những rủi ro chính của nền kinh tế, đẩy mạnh chống tham nhũng và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Đổi mới mô hình hướng tới tăng trưởng bền vững 

Tăng cường cải cách, tối ưu hóa môi trường kinh doanh, gia tăng sức sáng tạo và sức sống cho thị trường, thúc đẩy tăng trưởng ổn định… cũng là quyết tâm và mục tiêu của chính phủ Trung Quốc trong năm nay.

Trong Báo cáo công tác chính phủ năm 2018, từ "cải cách" đã xuất hiện 97 lần cùng với lời khẳng định của Thủ tướng Lý Khắc Cường rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn sống còn trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và vạch ra phương thức để tiếp tục thúc đẩy cải cách.

Trong giai đoạn 2013-2017, công cuộc tối ưu hoá cấu trúc kinh tế đã đem lại những thay đổi rõ rệt cho nền kinh tế Trung Quốc. Sự đóng góp của tiêu dùng vào tăng trưởng kinh tế đã tăng từ 54,9% lên 58,8%; tỷ trọng của ngành dịch vụ trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng từ 45,3% lên 51,6%, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Cũng trong giai đoạn này, ngành sản xuất công nghệ cao đã tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 11,7; tỷ lệ đô thị hóa gia tăng ổn định, từ 52,6% đến 58,5%. Tỷ trọng kinh tế của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đã tăng từ 11% lên 15%. Tuy nhiên, cùng với những chỉ số lạc quan là những con số đáng lo ngại, nhất là tình trạng nợ hiện đã lên mức 274% GDP. Riêng trong năm ngoái, nợ của chính quyền các địa phương đã tăng 7,5% lên 2.600 tỷ USD.

Năm nay, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, thấp hơn so với mức tăng trưởng thực tế 6,9% của năm 2017. Điều này phản ánh chủ trương chuyển đổi từ tăng trưởng tốc độ nhanh sang tăng trưởng chất lượng cao mà Trung Quốc đang nỗ lực theo đuổi.

Trong 4 thập kỷ qua, kinh tế Trung Quốc phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động đầu tư cho vay và xuất khẩu làm động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện đang tập trung để cải thiện chất lượng phát triển theo hướng bền vững hơn, đồng nghĩa với việc chấp nhận chịu áp lực do đà tăng trưởng chậm lại, nhưng song hành là thay đổi mô hình phát triển và xây dựng tiềm năng thông qua cải cách.

Trung Quốc sẽ không tìm kiếm sự bùng nổ ngắn hạn, mà hướng mục tiêu tới tăng trưởng dài hạn bằng cách khuyến khích đổi mới, sáng tạo và xây dựng chất lượng cao. Tập trung phát triển chất lượng thay thế số lượng, cụ thể là chuyển từ một quốc gia sản xuất hàng đầu đơn thuần về khối lượng thành quốc gia sản xuất hàng đầu về hàng hoá và dịch vụ chất lượng cao đang là quyết tâm được chính quyền Trung Quốc đề ra. Về dài hạn, khi chất lượng tăng trưởng được cải thiện sẽ tạo ra các yếu tố tích cực cho nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro do nợ và tình trạng bong bóng kinh tế.

Bên cạnh đó, trong năm 2018, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm dân số nông thôn nghèo xuống 10 triệu người bằng những nguồn tài chính lớn hơn dành cho các quỹ giảm nghèo. Trung Quốc cũng đề ra các kế hoạch tăng thu nhập cá nhân và đặt mục tiêu tạo ra 11 triệu việc làm mới, nhằm kiềm chế tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5,5% trong năm nay.

Giới phân tích quốc tế cho rằng việc Trung Quốc thể hiện quyết tâm, sức mạnh đổi mới toàn diện, cùng với các quyết sách hành động cụ thể trong các lĩnh vực, từ cải thiện tăng trưởng, tăng cường hiệu lực - hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước, đẩy mạnh chống tham nhũng tới xóa đói giảm nghèo…là những bước đi cần thiết trước những thách thức lớn hiện nay.

Những quyết sách được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này đã phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng Trung Quốc kiên định và tự tin hướng tới mục tiêu hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020, đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, đưa Trung Quốc trở thành đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, quốc gia phồn vinh, tiến bộ, hài hòa và tươi đẹp vào giữa thế kỷ này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục