Kỹ năng xử trí cần có khi trẻ bị đuối nước

10:54' - 26/05/2017
BNEWS Khi trẻ bị ngạt nước (đuối nước) việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là điều quan trọng nhất để cứu sống trẻ, tránh được di chứng não nặng nề sau này.
Nên đưa môn bơi trở thành một môn học bắt buộc.Ảnh minh họa: gosport.vn

Mặc dù mới bước vào hè nhưng ở một số địa phương đã xảy ra những vụ tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ. Để tránh những tai nạn đáng tiếc này, các em cần được trang bị những kỹ năng về bơi lội và xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra.

 Tai nạn mới, nguyên nhân cũ

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi hè đến, một vấn đề rất đáng lo ngại đặt ra là nguy cơ trẻ bị đuối nước cao.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trong đó có khoảng 3.500 trẻ em và trẻ vị thành niên (chiếm hơn 50%), nghĩa là trung bình mỗi ngày có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước.

Năm nay, dù chỉ mới vào hè mà nhiều vụ đuối nước thương tâm đã liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, cướp đi sinh mạng của nhiều em học sinh. Trong dịp nghỉ lễ 1-5, tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, có 2 học sinh tử vong do bị đuối nước.

Chiều 15-5, có 4 học sinh tiểu học bị đuối nước ở Tiền Giang. Sáng ngày 24-5, lại thêm 4 em học sinh huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên bị đuối nước. Trước đó, trong tháng 4 cũng liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước tại Nghệ An, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng nguyên nhân phổ biến dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do mùa hè trời nóng bức, mưa nhiều, hồ ao sông suối đầy nước, các cháu lại nghỉ học, cha mẹ và nhà trường không để mắt xuể.

Tai nạn đuối nước cũng một phần do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng bảo đảm an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối.

Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng là khi các em cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên...

Nên đưa kỹ năng bơi trở thành một môn học bắt buộc trong trường học

Để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất là dạy trẻ biết bơi. Hiện nay nhận thức của xã hội về tầm quan trọng phải dạy bơi cho trẻ đã nâng cao hơn trước. Khá nhiều trường mở cửa dịp hè và dạy bơi miễn phí cho học sinh.

Một số địa phương đã khởi động xây dựng bể bơi, đưa vào hoạt động các trung tâm dạy bơi, đã phần nào đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thêm vào đó là chủ trương xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự chung tay của gia đình và các đoàn thể xã hội để phổ cập bơi lội.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và xã hội), công tác phòng, chống đuối nước trẻ em phần lớn vẫn dừng lại ở các văn bản chỉ đạo.

“Nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng, của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ vẫn còn hạn chế. Việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn”, bà Hoa nhận định.

Tình trạng thiếu bể bơi, thiếu kỹ thuật bơi căn bản cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc dạy trẻ kỹ năng này.

Vì vậy, một giải pháp là các nhà trường có thể dạy kỹ năng bơi cho trẻ tại trường học như một chương trình bắt buộc. Cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu...

Đối với các bể bơi, cần lưu ý các em chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ và đặc biệt phải tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Cần bảo đảm trẻ luôn mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.

Bên cạnh đó, việc trang bị kỹ năng cấp cứu đuối nước vô cùng quan trọng. Không phải ai cũng có khả năng cứu người đuối nước ngoại trừ những người được đào tạo bài bản hoặc gắn bó lâu năm với sông nước.

Chính vì vậy, đối với trẻ nhỏ, phải thật bình tĩnh và nhanh chóng tìm sự cứu trợ từ người lớn thay vì lao mình xuống dòng nước cứu người bị nạn.

 Một số cách sơ cứu khi trẻ bị ngạt nước

Chỉ một ngụm nước nhỏ tràn vào phổi cũng có thể khiến nạn nhân bị đuối nước trên cạn dẫn đến tử vong nhanh chóng. Ảnh minh họa: baonghean

Khi trẻ bị ngạt nước (đuối nước) việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là điều quan trọng nhất để cứu sống trẻ, tránh được di chứng não nặng nề sau này.

Người lớn cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Sau đó, người sơ cứu phải lay gọi trẻ. Nếu trẻ không đáp ứng hoặc khi quan sát lồng ngực, thấy không di động, tức là trẻ đã ngưng thở.

Lúc này, việc cần làm là nhanh chóng ấn tim và hà hơi thổi ngạt cho trẻ. Ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa xương dưới ức phối hợp thổi ngạt theo tỉ lệ 30/2: tức là sau 30 lần ấn tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt. Nếu cùng lúc có 2 người cấp cứu thì thực hiện theo tỉ lệ 15:1.

Khi thổi ngạt cho trẻ, người thổi phải áp miệng thật sát vào mũi và miệng trẻ (đối với trẻ nhỏ). Đối với trẻ lớn, áp sát miệng vào miệng trẻ và dùng tay bịt mũi trẻ để hơi thở đi vào phổi. Thổi ngạt liên tiếp 2 lần, mỗi lần khoảng 3 giây. Việc ép tim, thổi ngạt nên làm trong khoảng 5-10 phút.

Nếu không hiệu quả, nên gọi cấp cứu 115 và tiếp tục ép tim, thổi ngạt trong khi chờ nhân viên y tế đến cấp cứu nâng cao. Nếu tự di chuyển, nên dùng ô tô, taxi và đặt trẻ lên mặt phẳng cứng, lúc này cũng tiếp tục ép tim, thổi ngạt cho đến khi đến được cơ sở y tế gần nhất.

Trong trường hợp đưa trẻ lên bờ, thấy trẻ phản ứng đáp lại hoặc khóc có nghĩa là trẻ vẫn còn thở được. Lúc này, việc cần làm là nhanh chóng lau khô người trẻ, ủ ấm và đưa đến bệnh viện. Trên đường đi, trẻ được đặt ở tư thế nằm nghiêng để đờm nhớt chảy ra ngoài.

Người nhà phải liên tục quan sát lồng ngực của trẻ, nếu thấy bất động cần thực hiện ngay thao tác ấn tim, hà hơi thổi ngạt./.

[Nguồn: Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; TTXVN]

>>> Điểm danh những địa điểm dạy bơi uy tín tại Hà Nội hè 2017

>>> Mới 6 tháng tuổi, con trai Michael Phelps đã bắt đầu học bơi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục