Lại "nóng” chuyện đạo đức doanh nghiệp kinh doanh bất động sản

18:51' - 29/11/2017
BNEWS Tại toạ đàm “Thị trường bất động sản-Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội” do Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) tổ chức ngày 29/11 đã nêu lên thực trạng của thị trường bất động sản.
Các dự án bất động sản đang gấp rút hoàn thiện. Ảnh minh họa: TTXVN

Bên cạnh nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn chân chính, đúng pháp luật thì vẫn còn một số chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp dịch vụ môi giới kinh doanh không lành mạnh, gây thiệt thòi quyền lợi người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.

Đây là thực trạng được nêu lên tại toạ đàm “Thị trường bất động sản - Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội” do Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) tổ chức ngày 29/11.

* Trước hết phải đúng luật

Tại toạ đàm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA thẳng thắn nhìn nhận, đa số chủ đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố đều có trách niệm, có tâm, văn hoá doanh nghiệp, đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, phục vụ người nhu cầu của khách hàng.

Cùng với đó cũng có nhiều doanh nghiệp môi giới uy tín, đã góp phần quan trọng trong kết nối chủ đầu tư với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp bị khiếu nại, tố cáo, hoạt động kinh doanh không lành mạnh, ảnh hưởng đến khách hàng, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Theo Luật sư Trương Thị Hoà, Phó Chủ tịch HoREA, trong thời gian qua đã xuất hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản gây nhiều bức xúc như gian lận, huy động vốn trái phép, chiếm dụng vốn góp của khách hàng, bán sản phẩm hình thành trong tương lai không đúng thiết kế, triển khai dự án không đúng quy hoạch, thế chấp tài sản, bán một sản phẩm cho nhiều người...

Cũng theo Luật sư Trương Thị Hoà, hiện nay có nhiều luật quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Cạnh tranh, Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Đặc biệt Bộ Luật Hình sự sửa đổi sắp tới sẽ có thêm quy định xử lý hình sự pháp nhân; trong đó có pháp nhân thương mại.

Điều này cũng có nghĩa sẽ xử lý hành vi lừa dối, gian lận trong kinh doanh bất động sản.

Đây là những luật quan trọng, cần thiết để xây dựng và giữ gìn đạo đức kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, ngoài các luật quy định của pháp luật, Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh cũng cần phải có quy định về đạo đức kinh doanh bất động sản đến các hội viên.

Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch HoREA cho rằng, trách nhiệm xã hội đầu tiên của doanh nghiệp không những làm ra nhà ở, giải quyết nhà ở cho người dân, tạo công ăn việc làm cho nhân viên mà còn các hoạt động từ thiện…

Thậm chí, đạo đức kinh doanh bất động sản còn là câu chuyện chia sẻ lợi nhuận.

Tuy nhiên vấn đề này không phải là chuyện dễ rạch ròi trong khi thủ tục hành chính vẫn còn nặng nề, doanh nghiệp vẫn phải “bôi trơn” chi phí, dẫn đến việc thiếu chính trực, đội giá bán và người dân vẫn là người chịu thiệt cuối cùng.

Đó là chưa kể việc nhiều chủ đầu tư chậm bàn giao nhà cho khách hàng nhưng lại không chịu nộp phạt.

* Không muốn có thêm “Alibaba thứ 2”

Một sự vụ tiếp tục làm “nóng” buổi toạ đàm là chuyện Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại cái gọi là dự án Alibaba Tây Bắc, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

Thông tin thêm về sự vụ này, ông Trương Công Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, hành vi nói trên của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba là không đúng với các quy định của pháp luật.

Hiện nay, Sở Xây dựng đang phối hợp với PC46 – Công an Tp. Hồ Chí Minh và C46 – Bộ Công an thu thập, củng cố hồ sơ để xử lý. Tuy nhiên Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba không có thái độ hợp tác.

Theo ông Trương Công Nam, cái gọi là dự án mà Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba tự chia quy hoạch, vẽ sơ đồ nên chưa được thành phố giao đất.

Khu đất này nằm trong dự án Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi), chỉ mới được phê duyệt quy hoạch 1/2000, thành phố đang kêu gọi đầu tư.

Vì thế việc Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba đứng ra huy động khách hàng ký phiếu đặt cọc giữ chỗ dự án dưới danh nghĩa chủ đầu tư là sai luật trong khi chưa có quy hoạch 1/500, chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chưa giải phóng mặt bằng, vẫn còn nhiều người dân sinh sống.

“Quan điểm của Sở Xây dựng là mong muốn các doanh nghiệp đầu tư bất động sản tuân thủ các quy định của pháp luật, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không nên để xảy ra Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba”, ông Trương Công Nam chia sẻ thêm.

Liên quan đến Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, trước đó trao đổi với phóng viên TTXVN, lãnh đạo UBND huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Khu đô thị Tây Bắc thành phố có quy mô 6.089ha; trong đó huyện Củ Chi chiếm diện tích khoảng 5.200ha.

Dự án cũng chỉ mới được quy hoạch 7 đồ án phân khu tỷ lệ 1/2000. Hiện nay dự án thành phần gồm Khu đô thị Đại học Quốc tế đã được UBND Tp. Hồ Chí Minh chấp thuận gia hạn đến ngày 31/12/2017 cho Công ty TNHH đô thị Đại học Quốc tế Berjaya được tiếp tục thực hiện dự án.

Dự án đường dọc Kênh 7 đang được Công ty Cổ phần bất động sản CT đề xuất đầu tư xây dựng, UBND thành phố cũng đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất.

Dự án đường dọc Kênh 5 được Công ty cổ Phần Công trình Giao thông Công Chánh đề xuất thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đang lấy ý kiến các Sở, ngành để có cơ sở thẩm định đề xuất dự án.

Hai dự án quan trọng khác gồm dự án khu dân cư Hoàn Cầu đang thực hiện thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và dự án tái định cư phục vụ Khu đô thị Tây Bắc đang trong quá trình rà soát, thực hiện thăm dò xã hội về nhu cầu di dời, tái định cư.

Hiện nay Hội đồng thẩm định bồi thường thành phố đang tổng hợp và báo cáo UBND Tp. Hồ Chí Minh./.

Xem thêm:

>>>Các dự án bất động sản gấp rút hoàn thiện để bàn giao cho khách hàng trước Tết

>>>Giới thiệu cơ hội đầu tư vào bất động sản TP. Hồ Chí Minh tại Malaysia

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục