Làm gì để hút vốn ngoại trên thị trường trái phiếu Chính phủ?

15:51' - 02/06/2018
BNEWS Trong hai năm qua và 5 tháng đầu năm nay, trên thị trường trái phiếu Chính phủ, khối ngoại đã mua ròng liên tiếp.
Tuy nhiên, tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong tổng giá trị phát hành trên thị trường sơ cấp và thứ cấp còn thấp. Để thu hút thêm vốn ngoại, cơ quan quản lý và vận hành thị trường đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng tính hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - đơn vị vận hành thị trường trái phiếu Chính phủ, bước sang năm 2018, khối lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh. Nhưng nhìn tổng thể thì rõ ràng là giao dịch nhà đầu tư nước ngoài vẫn khá tích cực, khi liên tục mua ròng trái phiếu Chính phủ Việt Nam.

Bước sang năm 2018, khối lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh. Ảnh minh họa: TTXVN
Cụ thể, trên thị trường sơ cấp, nhà đầu tư nước ngoài đã mua hơn 1,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong 5 tháng đầu năm 2018, năm 2017 là hơn 10,3 nghìn tỷ, năm 2016 là hơn 20,8 nghìn tỷ. Trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 3 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2018, năm 2017 mua ròng hơn 20,5 nghìn tỷ đồng và năm 2016 mua ròng hơn 12,6 nghìn tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam Nguyễn Thị Kim Oanh, việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trái phiếu Chính phủ Việt Nam cho thấy niềm tin của khối nhà đầu tư nước ngoài đối với trái phiếu Chính phủ Việt Nam đang dần được củng cố.

Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính Phan Thị Thu Hiền cho biết, song hành với sự hội nhập thị trường trái phiếu khu vực và thế giới, từ năm 2015 đến nay, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam có sự thay đổi tích cực.

Tại thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả nhà đầu tư là pháp nhân nước ngoài và tổ chức thành lập trong nước có sở hữu bởi nhà đầu tư nước ngoài) vào khoảng 5%, trong khi cuối năm 2015 con số này là 4,5%.

Đặc biệt, trong năm 2016 và 2017, lần đầu tiên Bộ Tài chính đã phát hành thành công khoảng 11.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 và 30 năm cho nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài. Điều này, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm và có nhu cầu đầu tư dài hạn trên thị trường trái phiếu Chính phủ.

Theo bà Hiền, để tiếp tục khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát hành trái phiếu Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ rà soát, đơn giản hóa thủ tục về cấp mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, rà soát về phí giao dịch nhằm khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ.

Cùng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường vốn, thị trường trái phiếu Việt Nam đã từng bước hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế. Hiện nay, Việt Nam là thành viên của Diễn đàn các thị trường mới nổi (EMF), Diễn đàn thị trường trái phiếu châu Á (ABMF), tham gia Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), tham gia Diễn đàn thị trường trái phiếu mới nổi (Germlock) để tăng cường kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế.

Đồng thời, để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát triển thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh các chương trình hợp tác với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á.

Thông qua hợp tác và tham gia các diễn đàn phát triển thị trường trái phiếu quốc tế, thị trường trái phiếu Việt Nam nói chung, thị trường trái phiếu Chính phủ nói riêng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nhìn nhận, mặc dù nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng trái phiếu Chính phủ Việt Nam, nhưng tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư nước ngoài còn thấp. Đơn cử, năm 2017, giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm dưới 5,3% tổng giá trị phát hành trên thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp là 6,1%.

Theo bà Lan, để gia tăng tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường, cần xem xét những biện pháp giải quyết mối quan tâm, đưa ra những khuyến khích để mời chào, tạo những điều kiện về thủ tục nhanh gọn, thuận tiện hơn cho nhà đầu tư.

Bà Lan cho rằng, “sức khỏe” của nền kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu khi xem xét có hay không đầu tư vào trái phiếu quốc gia. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô luôn được các nhà đầu tư nước ngoài xem xét khi lọc tìm các quốc gia để bỏ tiền đầu tư. Chính vì vậy, Việt Nam cần ổn định, nhất quán trong thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô.

“Đối với nhà đầu tư nước ngoài điều này là nền tảng, giúp họ có niềm tin để tích cực tham gia thị trường”, bà Lan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong các chính sách về kinh tế vĩ mô, chính sách quản lý nợ công là một nhân tố quan trọng, phải quan tâm thích đáng khi thực thi các biện pháp thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Một tỷ lệ nợ công phù hợp với “sức khỏe” của nền kinh tế (tỷ lệ nợ trên GDP), cơ cấu nợ cân đối (về kỳ hạn, về đồng tiền vay, về đối tượng vay…) giúp khả năng trả nợ thuận lợi sẽ là điều mà nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, phân tích khi tiến hành đầu tư.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, rủi ro tỷ giá luôn là vấn đề. Cần phải cung cấp các công cụ giúp họ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép thực hiện hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ nhưng trong đối tượng được sử dụng công cụ này không có đối tượng là người không cư trú. Điều này hiện cũng tác động đến sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu Chính phủ.

Bên cạnh đó, các chính sách vĩ mô về tiền tệ như: chính sách tỷ giá, khả năng chuyển đổi của đồng tiền, quản lý vốn đầu tư … nếu được cân nhắc, tính toán điều chỉnh phù hợp hơn cũng sẽ tạo động lực thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu Chính phủ.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng cho rằng, cần đơn giản hóa, chuẩn mực hóa theo tiêu chuẩn quốc tế các thủ tục, loại bỏ các yêu cầu hành chính không cần thiết để thu hút mạnh hơn nguồn vốn đầu tư vào thị trường.

“Các thủ tục hành chính thông thoáng, phù hợp với chuẩn mực chung áp dụng trên thị trường quốc tế sẽ vừa giúp nhà nước quản lý đồng thời tạo điều kiện cho nguồn vốn dễ dàng luân chuyển vào thị trường, qua đó gia tăng tính cạnh tranh của thị trường Việt Nam”, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội Nguyễn Thị Hoàng Lan nhận định.

Theo bà Lan, cơ cấu thuế cần hợp lý mới khuyến khích việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Để cân bằng giữa việc chia quá nhỏ dòng thuế, gây khó khăn trong việc áp thuế, thu thuế với việc nhóm, gộp nhiều dòng thuế với nhau, gây bất cập trong tính thuế, cần phải xem xét đánh thuế, nhóm đầu thuế theo đặc điểm của sản phẩm chịu thuế, qua đó mới khuyến khích và tạo công bằng trong đánh thuế giao dịch.

Tính ổn định trong vấn đề thuế, phí cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để lượng hóa rủi ro, lợi nhuận thì các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài luôn xây dựng các kế hoạch lộ trình tham gia đầu tư, việc thay đổi liên tục chi phí (cho dù giảm thuế, phí có thể mang lợi ích tức thời) là những tác nhân gây bất ổn định trong quản lý danh mục đầu tư, khiến việc phân bổ nguồn đầu tư kém hiệu quả. Ngoài ra, sự biến động liên tục về thuế, phí cũng cho thấy môi trường đầu tư kém ổn định, tiềm ẩn rủi ro tiềm tàng.

“Bên cạnh các biện pháp về mặt vĩ mô, những biện pháp kỹ thuật tương tác tới cung và cầu trái phiếu Chính phủ, các biện pháp về hạ tầng cũng sẽ cần xem xét trong thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu Việt Nam”, bà Lan nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục