Làm sao để nhận biết cà phê “bẩn”?

16:56' - 19/04/2018
BNEWS “Người tiêu dùng phải hiểu 1 ly cà phê đúng nghĩa thì có màu vàng trong chứ không đục. Nếu đục, chắc chắn là có pha tạp chất rồi...".
Chế biến cà phê bẩn tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan bị cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông phát hiện. Ảnh: TTXVN phát

Đã không ít lần, vấn đề cà phê trộn, cà phê bẩn được các doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành cà phê đề cập tại các hội thảo, cuộc họp chuyên ngành.

Tuy vậy, có lẽ phải đến khi vụ cà phê nhuộm pin bị phát hiện ở Đắk Nông mới đây, việc kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này càng trở nên cấp bách hơn.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, thông thường, cà phê Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường thường chịu sự kiểm soát chặt chẽ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế như 4C, Rainforest… tùy theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Do vậy, vấn đề xuất khẩu cà phê của Việt Nam không đáng lo ngại nhiều.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ cà phê trong nước đang đặt ra bài toán phải làm sao để ngăn chặn vấn nạn cà phê bẩn.

Thực tế, giá cà phê (đảm bảo an toàn chất lượng) tương đối cao so với một ly cà phê đang được bán trên thị trường (chủ yếu các quán cóc, vỉa hè…).

Do vậy, để tăng lợi nhuận, một số cơ sở chế biến, kinh doanh cà phê sử dụng các sản phẩm không phải từ cà phê mà sử dụng hóa chất, thực phẩm khác để pha, trộn vào cà phê bán ra thị trường.

Theo ông Nam, cái khó nhất hiện nay là kiểm soát chất lượng ở các quán cà phê cóc.

Với mật độ quán cà phê cóc, quán nước giải khát lề đường như ở Việt Nam thì khó có cơ quan nào quản lý nổi. Đây cũng chính là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng kinh doanh cà phê bẩn.

Để hạn chế những trường hợp vi phạm, đại diện Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng, lực lượng chức năng tại các địa phương cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm ở các cơ sở kinh doanh, chế biến cà phê.

Khi phát hiện có sai phạm, phải có mức phạt cao để người vi phạm sau khi phạt xong sẽ không dám lặp lại.

Trong trường hợp dẫn đến vấn đề nguy hiểm đến tính mạng con người, thì phải áp dụng biện pháp xử lý hình sự mới ngăn chặn được tình trạng này. Đây cũng là biện pháp mà ở các nước khác đang triển khai hiện nay.

“Với kinh nghiệm của chúng tôi, người tiêu dùng phải hiểu 1 ly cà phê đúng nghĩa thì có màu vàng trong chứ không đục. Nếu đục, chắc chắn là có pha tạp chất rồi. Tiếp theo là ly cà phê đó mùi bốc ra phải thoang thoảng, chứ không nồng nặc. Bản thân người tiêu dùng cũng cần phải cẩn thận và từ chối với những loại cà phê quá rẻ. Thường rất khó có cà phê giá rẻ, nếu nó là cà phê chuyên không pha tạp”, ông Đỗ Hà Nam chia sẻ.

Với một đất nước sử dụng cà phê như một loại nước giải khát phổ biến, rõ ràng vụ việc cà phê bẩn ở Đắk Nông vừa qua khiến dư luận phẫn nộ, bất bình.

Dù vụ việc vẫn đang được lực lượng chức năng điều tra xử lý và đây chỉ là một trường hợp cá biệt, nhưng nếu không có giải pháp giải quyết dứt điểm về lâu dài sẽ tạo cơ hội cho các hành vi gian dối khác phát triển và sẽ gây bất lợi cho sản phẩm, uy tín ngành hàng cà phê Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục