Lào đánh cược với khoản vay từ Trung Quốc

06:30' - 03/04/2018
BNEWS Theo hãng tin Bloomberg, 27 trên 68 quốc gia trên thế giới tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc, trong đó có Lào, được xem là mạo hiểm trong việc vay vốn.
Chính phủ Lào rất kỳ vọng vào tuyến đường sắt Lào-Trung. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Trang mạng “rfa.org” (tiếng Lào) mới đây dẫn báo cáo của hãng tin Bloomberg, cho hay sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc sẽ tạo ra những khoản nợ không đáng có cho nhiều quốc gia nghèo trên thế giới mà dự án này đi qua, bắt đầu từ Cộng hòa Djibouti ở châu Phi cho đến Cộng hòa Kyrgyzstan, Lào, Mông Cổ, Pakistan và Tajikistan.

BRI được bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc, với mục đích kết nối kinh tế châu Âu, châu Á và châu Phi.

Theo John Hurley, một chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu vì sự phát triển trên thế giới, dự án BRI của Trung Quốc được hưởng ứng là do nó đáp ứng mọi điều kiện mà các quốc gia nghèo khó có nhu cầu, trong đó có việc vay vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu thuộc Bộ Tài chính Mỹ này chỉ ra rằng những khoản tiền vay kiểu này chỉ nhằm phục vụ cho mục tiêu của các dự án của Trung Quốc.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã cung cấp khoản vay đối với hàng trăm dự án tại nhiều quốc gia mà BRI đi qua, nơi mà các nhà đầu tư từ nhiều nước khác e ngại không dám đầu tư. Theo Bloomberg, có 68 quốc gia trên thế giới tham gia BRI, trong đó có 27 quốc gia được xem là mạo hiểm trong việc vay vốn.

John Hurley và nhóm nghiên cứu của ông đã kiến nghị Chính phủ Trung Quốc cho vay vốn trong dự án BRI giống với hình thức mà Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay trong các dự án phát triển. Theo chuyên gia này, Trung Quốc là người sáng lập dự án, việc cho vay vốn phát triển đối với các quốc gia tham gia dự án phải tránh cho vay theo kiểu thương mại, bởi việc cấp tín dụng lãi suất cao sẽ khiến các nước nghèo khó mắc nợ ngày càng nhiều mà không thể thanh toán được.

Việc Trung Quốc cho vay vốn trong dự án BRI chỉ khiến cho các quốc gia nghèo khó trở thành con nợ của Trung Quốc nhiều hơn, trong khi dự án mang lại lợi ích cho Trung Quốc nhiều hơn các quốc gia tham gia. Trong dài hạn, BRI sẽ giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng về thương mại, kinh tế và đầu tư, ngoài ra còn giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng cả về chính trị và quân sự ra thế giới trong tương lai.

Năm 2012, GDP của Lào chỉ khoảng 9,5 tỷ USD. Đến năm 2014, Chính phủ Lào thiếu nguồn thu trầm trọng và trong những năm tiếp theo lại càng không có nguồn thu dẫn đến ngân sách dành cho xây dựng và phát triển đất nước càng thiếu thốn.

Tháng 10/2012, Quốc hội Lào thông qua và cho phép triển khai dự án xây dựng đường sắt cao tốc và đề nghị vay vốn của Trung Quốc để xây dựng. Chính phủ Lào viện dẫn rằng tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung là rất cần thiết phục vụ cho nhu cầu phát triển của đất nước và giúp kết nối kinh tế của Lào với khu vực.

Theo hiệp định vay vốn, Chính phủ Lào phải lấy hai mỏ khoáng sản đảm bảo cho việc trả nợ. Dự án xây dựng đường sắt cao tốc vượt quá khả năng của kinh tế Lào, tạo sự quan ngại cho các quốc gia viện trợ và giúp đỡ Lào. Tháng 10/2013, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo dự án đường sắt cao tốc Lào-Trung sẽ khiến cho nợ nước ngoài của Lào nhảy vọt từ 32,5% GDP lên 125%.

IMF cho rằng khoản nợ mà dự án đường sắt cao tốc Lào-Trung mang lại cho Chính phủ Lào vượt trên những gì mà kinh tế Lào có thể nhận được sau khi hoàn thành, nó khiến cho đất nước Lào có thể rơi vào tình trạng yếu kém.

Một điều mạo hiểm nữa là nếu Trung Quốc gặp khủng hoảng tài chính, hoặc giá khoáng sản tụt xuống thấp, điều đó sẽ ảnh hưởng nặng nề tới việc trả nợ của Chính phủ Lào. Nguồn tài nguyên mà Chính phủ Lào sử dụng để đảm bảo tiền vay của Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng yếu kém, nguy hiểm hơn là khả năng Lào sẽ gặp phải khủng hoảng về tài chính và có thể dẫn đến vỡ nợ.

Trong cùng thời điểm, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho rằng dự án đường sắt cao tốc Lào-Trung là một dự án vượt quá khả năng của nền kinh tế Lào, việc trả lãi hàng năm cũng chiếm gần 20% tổng ngân sách chi thường niên của Chính phủ Lào.

Chính phủ Lào kỳ vọng rằng dự án đường sắt cao tốc Lào-Trung sẽ giúp cho Lào có cơ hội phát triển kinh tế đất nước, giảm nghèo và giúp kết nối cơ sở hạ tầng giao thông trong khu vực.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia kinh tế, với dự án đường sắt cao tốc Lào-Trung, Chính phủ Lào phải mất nhiều chục năm cũng chưa trả hết nợ, nó cũng không thể giúp giảm nghèo như mong ước của chính phủ, nhất là khi khoản nợ từ dự án chưa trả xong. Nguồn thu từ việc vận hành khai thác cũng sẽ phải đem đi trả nợ hết.

Giới chuyên gia Lào cho rằng Chính phủ Lào đang đánh cược với sự mạo hiểm khi viện dẫn rằng Lào không muốn mất đi cơ hội trở thành quốc gia kết nối về đường bộ trong khu vực, giúp tăng cường vị thế của Lào trên trường chính trị quốc tế, đưa Lào trở thành điểm đến của nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới, giúp phát triển kinh tế Lào trong tương lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục