Lo ngại nguồn cung từ Saudi Arabia, Ai Cập quay sang nhập khẩu dầu mỏ từ Iraq

11:22' - 03/11/2016
BNEWS Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập Tareq al-Molla cho hay nước này đã ký một thỏa thuận với Iraq để nhập khẩu dầu thô nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà máy lọc dầu Basra.
Lo ngại nguồn cung từ Saudi Arabia, Ai Cập quay sang nhập khẩu dầu mỏ từ Iraq. Ảnh: Gazprom Neft
Trong bối cảnh nguồn cung từ Saudi Arabia đang có dấu hiệu giảm sút, quan chức Bộ Dầu mỏ Ai Cập nói rằng thỏa thuận trên nằm trong kế hoạch mở rộng hơn nữa hợp tác song phương trong lĩnh vực dầu khí.
Hãng tin nhà nước MENA của Ai Cập dẫn lời ông al-Molla khẳng định rằng hợp đồng mua dầu thô của Ai Cập cho nhà máy lọc dầu Barsa nằm trong khuôn khổ của các bản ghi nhớ đã được ký kết trước đó giữa hai nước.
Tuyên bố này được Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập đưa ra giữa thời điểm xuất hiện những tin đồn cho rằng Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Aramco của Saudi Arabia có thể ngừng cung cấp nhiên liệu cho Ai Cập do căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.
Tuần trước, ông Molla nói rằng thỏa thuận giữa Aramco và Ai Cập vẫn sẽ tiếp tục và hoạt động cung ứng dầu cho phía Ai Cập sẽ diễn ra theo như kế hoạch.
Bộ trưởng Molla tuyên bố rằng Ai Cập có khả năng lọc dầu và các sản phẩm của nhà máy lọc dầu Basra có thể được xuất khẩu trở lại Iraq. Ai Cập cũng đang tìm kiếm đối tác để mua dầu thô và hai nước có thể hợp tác. Thỏa thuận sẽ giúp tạo thêm việc làm cho người dân Ai Cập và đáp ứng nhu cầu của Iraq, thay vì mua từ thị trường quốc tế.
Quan chức Ai Cập nhấn mạnh rằng thỏa thuận trên đánh dấu một sự khởi đầu cho sự hợp tác với Iraq. Hai bên có thể thành lập các công ty liên doanh Ai Cập-Iraq để có thể phối hợp liên tục chứ không phải hợp đồng mang tính thời điểm.
Trước đó, tập đoàn Aramco của Saudi Arabia đã công bố tạm hoãn cung cấp các sản phẩm dầu mỏ tinh chế cho Ai Cập trong tháng Mười. Từ đó xuất hiện những tin đồn liên quan tới những rạn nứt giữa hai bên xung quanh vấn đề Syria. Ai Cập đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết được Nga đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về Syria (Xi-ri), vốn bị chính quyền Saudi Arabia phản đối mạnh mẽ.
Ai Cập đã lên tiếng bác bỏ bất kỳ mối liên hệ nào giữa những căng thẳng ngoại giao song phương với sự chậm trễ Aramco. Bộ Dầu khí Ai Cập cũng thông báo rằng chính quyền Cairo đã ký hợp đồng với các nhà cung cấp nước ngoài khác để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong nước. Trong khi, giới truyền thông Ai Cập cho hay những đối tác tiềm năng có thể thế chân của Saudi Arabia bao gồm Nga, Venezuela và Iran./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục